Nhật Bản nâng lãi suất trái phiếu dài hạn lên mức cao nhất trong 8 năm

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 5/1, Bộ Tài chính Nhật Bản đã quyết định nâng lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn lên mức cao nhất trong hơn 8 năm qua. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản nâng lãi suất này kể từ tháng 4/2022.
Chú thích ảnh Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo quyết định trên, lãi suất mà Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ trả cho các trái chủ của trái phiếu chính phủ (JGB) kỳ hạn 10 năm sẽ tăng từ 0,2% lên 0,5%, cao nhất kể từ tháng 12/2014. Quyết định trên được Bộ Tài chính Nhật Bản đưa ra khoảng nửa tháng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm lên 0,5%. Sau quyết định đầy bất ngờ của BOJ, lãi suất JGB trên thị trường trái phiếu đã tăng lên mức 0,3%-0,4%.

Lãi suất JGB kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất là 7,9% vào năm 1990, thời điểm Nhật Bản đang trải qua bong bóng tài sản. Tuy nhiên, sau đó, lãi suất này đã bắt đầu đi xuống cùng với sự suy thoái của nền kinh tế. Lãi suất này tiếp tục giảm sâu sau khi Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda bắt đầu nới lỏng tiền tệ quy mô lớn vào năm 2013. Sau khi BOJ điều chỉnh lãi suất dự trữ bắt buộc xuống mức -0,1%, lãi suất JGB dài hạn đứng ở mức 0,1%.

Lần gần nhất mà Bộ Tài chính Nhật Bản tăng lãi suất JGB diễn ra vào tháng 4/2022 sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng từ 0,1% lên 0,2%.

Trong dự toán ngân sách của tài khóa 2023, Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 25.250 tỷ yen để trả nợ công, trong đó có 8.470 tỷ yen tiền thanh toán lãi suất, với giả định lãi suất JGB kỳ hạn dài đứng ở mức 1,1%. Vì vậy, việc Bộ Tài chính nâng lãi suất JGB sẽ khiến chi phí nợ công của Nhật Bản tăng thêm, từ đó tác động tiêu cực tới cán cân ngân sách nước này.