Nhật bảo không rút khỏi các dự dán dầu khí hợp tác với Nga

Nhật Bản sẽ không từ bỏ cổ phần của mình trong các dự án năng lượng hợp tác với Nga để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho đất nước.

Sáng ngày 9/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ không từ bỏ cổ phần của mình trong các dự án năng lượng hợp tác với Nga Sakhalin-1 và Sakhalin-2.

Nhật Bản sẽ không từ bỏ cổ phần của mình trong các dự án năng lượng Sakhalin-1 và Sakhalin-2. (Ảnh: Kyodo)

Thủ tướng Kishida cho biết sẽ mất thời gian để Nhật Bản thay thế dần nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Hiện tại, Nhật Bản không có ý định rút khỏi các dự án dầu khí Sakhalin-1 và Sakhalin-2 để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho đất nước.

Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7, ông Kishida đã thông báo rằng Nhật Bản sẽ từng bước cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.

"Chúng tôi sẽ thực hiện các bước để loại bỏ dần dầu nhập khẩu Nga theo cách giúp giảm thiểu tác động xấu đến đời sống và hoạt động kinh doanh của người dân", ông Kishida nói.

Nhật Bản nhập khẩu khoảng 90% nhu cầu năng lượng. Trong đó, Nga là nguồn cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng lớn thứ năm của nước này.

Cùng ngày 9/5, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết chính quyền Tokyo đang thúc đẩy các nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng để giảm phụ thuộc vào Nga. Theo ông Matsuno, Nhật Bản sẽ triển khai mọi các biện pháp bao gồm: đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ và khí đốt, thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn năng lượng mới, đưa năng lượng điện nguyên tử và năng lượng tái tạo vào sử dụng

Việc các nhà lãnh đạo G7 cam kết cấm nhập khẩu năng lượng của Nga cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về an ninh năng lượng của Nhật Bản mà các nước khác.

"Chúng tôi cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga bằng các biện pháp báo gồm loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu dầu Nga. Chúng tôi đảm bảo sẽ tiến hành việc này một cách kịp thời và trật tự. Chúng tôi sẽ làm việc với nhau và cùng các đối tác để đảm bảo nguồn năng lượng toàn cầu ổn định, giá cả phù hợp với người tiêu dùng", tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 cho biết.

Trong hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Kishida lưu ý rằng Nhật Bản đã chi 200 triệu USD để viện trợ nhân đạo cho Ukraine, đồng thời kêu gọi G7 hợp tác và tiếp tục hỗ trợ cho đất nước đang phải chịu hậu quả của xung đột.