Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: năm 2022 với những thách thức, khó khăn rất lớn của thời kỳ hậu Covid-19 cùng với những biến động nhanh, khó lường trên thế giới và trong nước gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống nhân dân trong nước.
Toàn ngành đã nỗ lực để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch Covid-19.
Hai năm qua, các chính sách đã hỗ trợ hơn 104.000 tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động. Người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời.
Theo Bộ, các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid -19. Bên cạnh đó, đã đưa gần 143.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021.
Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững.
Thách thức tiếp theo là sự thay đổi trên thế giới về vấn đề việc làm, cụ thể là di cư, di biến động, việc làm có chất lượng và tiền công thoả đáng. Vấn đề biến đổi khí hậu cũng sẽ đe dọa tới sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực dễ tổn thương như nông nghiệp, nông dân, dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, vấn đề việc làm phi chính thức, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%, đó là một thử thách đối với hệ thống an sinh xã hội trên các phương diện như: bảo hiểm xã hội, năng suất thấp, khả năng tiếp cận hỗ trợ từ thị trường lao động.
Một thách thức nữa cũng được đề cập là vấn đề hiện thực hoá khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chính sách xã hội với yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp cùng với cách tiếp cận mới, sáng tạo cho những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Thời gian vừa qua, trong giai đoạn sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hình thành lưới an sinh xã hội theo yêu cầu đổi mới và phát triển, đảm bảo nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của người dân, tạo môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng thành quả của cách mạng.