Nhiều loại hình kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh mở cửa trở lại

Sau 2 tháng 'đóng cửa, trùm mền', hàng quán, cơ sở bưu chính viễn thông, thiết bị văn phòng… tại TP. Hồ Chí Minh đã rục rịch mở cửa trở lại.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương trong ngày 9/9 tại một số quận trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, đã có một số hàng quán mở cửa trở lại, chủ yếu tập trung vào các loại hình cơ sở bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập.

Một cửa hàng thiết bị tin học mở cửa lại trong ngày 9/9

Riêng đối loại hình kinh doanh ăn uống, hiện chỉ có một số quán được chủ cửa hàng mở cửa “thăm dò”, xem đường phố như thế nào mới tính tiếp. Bởi lẽ trong ngày mở bán trở lại hoạt động mua bán vẫn diễn ra khá chậm và bán mang đi cho shipper giao hàng lại không có lãi vì phải trả chi phí mặt bằng, chi phí trả hoa hồng cho app công nghệ.

“Tôi có hệ thống 5 cửa hàng nhưng hôm nay mới mở bán 1 cửa hàng và thực tế bán rất chậm vì cửa hàng bán cho khách đi đường ghé vào mua mang đi là chính”, ông Nguyễn Quốc Bình - chủ cửa hàng bánh mì Bình Tiên, TP. Thủ Đức - chia sẻ.

Quán bánh mì trên đường Lê Văn Việt (TP. Thủ Đức) bắt đầu bán trở lại cho khách mua mang về

Hầu hết cửa hàng mở cửa đều "thăm dò" thị trường

Tương tự, bà Nguyễn Thị Yến - chủ hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh 365 - cho biết, sau 2 tháng đóng cửa hệ thống cửa hàng, nay cũng chỉ dám mở bán “thăm dò” vì nhu cầu rất chậm do người dân còn hạn chế đi lại. Ngoài ra, các chi phí nguyên vật liệu nhất là thực phẩm hiện nay đều tăng giá khoảng 20% so với trước nên giá bán cũng phải tăng trong khi đại bộ phận người dân đều thắt chặt chi tiêu.

“Việc mở bán hàng cũng sẽ rất khó khăn vì chi phí mặt bằng, nhân công cũng phải đảm bảo “3 tại chỗ”, bởi không đảm bảo việc này nếu có sự cố xảy ra sẽ thiệt hại rất lớn”, bà Yến cho biết thêm.

Đối với các quán cà phê trên địa bàn vẫn đóng cửa im lìm, chưa có động tĩnh gì đến việc mở cửa hoạt động. Lý giải việc chưa có động thái mở lại ngay, nhiều chủ cửa hàng cho biết, khi nghe thông tin được bán mang về họ rất vui nhưng cũng lo lắng vì chi phí nguyên liệu dự báo sẽ tăng, việc lấy hàng cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc tìm thuê người làm, rồi phải đảm bảo ăn ở, chi phí xét nghiệm,... sợ giá cả leo thang thì khách không đặt mua.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Công Thương ghi nhận hoạt động kinh doanh của thành phố trong sáng ngày 9/9:

Cửa hàng viễn thông của Viettel trên đường Cộng Hòa

Cửa hàng này mở cửa phục vụ khách ngay khi được cho phép hoạt động

Trong khi đó, các quán cơm văn phòng vẫn đóng cửa vì chưa kịp chuẩn bị mở lại. Ảnh chụp tại quận Bình Thạnh

Hầu hết các cửa hàng thức ăn nhanh đều chưa tái khởi động sau khi được TP. Hồ Chí Minh cho phép

Cửa hàng Pizza tại TP. Thủ Đức...

và cửa hàng KFC TP. Thủ Đức đều trong tình trạng tương tự