Nhiều ngân hàng báo lợi nhuận sụt giảm trong quý I/2022 |
Báo cáo tài chính quý 1/2022 của 27 ngân hàng trong nước cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng đạt hơn 69.660 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
10 ngân hàng có lãi trước thuế cao nhất gồm: VPBank, Vietcombank, Techcombank, MB, VietinBank, BIDV, ACB, LienVietPostBank, SHB và HDBank. Tính riêng tổng lợi nhuận của 10 ngân hàng này đã chiếm 57.254 tỷ đồng, tương đương hơn 82% tổng lợi nhuận của các ngân hàng được thống kê.
Quý đầu năm, VPBank vươn lên giữ vị trí quán quân về lợi nhuận toàn ngành với 11.146 tỷ đồng, tăng 178% so với cùng kỳ. Đứng liền sau là Vietcombank và Techcombank với mức lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 15% và 23%, đạt 9.950 tỷ và 6.785 tỷ đồng.
Đáng chú ý, MB đã vượt qua VietinBank với lợi nhuận trước thuế ba tháng đầu năm đạt 5.908 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Ngân hàng BIDV xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng dù tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.531 tỷ đồng - mức lợi nhuận thấp nhất trong nhóm các ngân hàng quốc doanh.
Về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Eximbank là ngân hàng dẫn đầu với mức tăng 278%, đạt 809 tỷ đồng.
Trong quý I, các mảng hoạt động của Eximbank đều ghi nhận lãi tăng mạnh so với cùng kỳ như thu nhập lãi thuần tăng 52,3%; lãi thuần kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 60,9% và 94,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh khác tăng đến 203% so với cùng kỳ, mang về cho ngân hàng 126 tỷ đồng,
Các ngân hàng còn lại cũng có lợi nhuận tăng trưởng ba con số bao gồm VPBank (178%), VietABank (171%), SHB (94%), SeABank (87%), Saigonbank (68%),...
Lợi nhuận trước thuế các ngân hàng quý I/2022. |
Ở chiều ngược lại, có 5 ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ là VietinBank, OCB, Kienlongbank, Vietbank và NCB.
Quý I VietinBank bất ngờ báo lãi giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 5.822 tỷ đồng do các mảng thu nhập chính như thu nhập lãi thuần, dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ.
Lợi nhuận Kienlongbank cũng ghi nhận giảm trong quý I. Ngân hàng cho biết nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh do trong quý I năm trước, ngân hàng phát sinh khoản thu nhập đột biến từ việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín theo phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Báo cáo tài chính quý I/2022 của OCB ghi nhận lợi nhuận sau thuế của nhà băng này chỉ đạt hơn 668 tỷ đồng, giảm gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tới 52,3% so với quý trước đó (quý IV/2021).
OCB cho biết do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo CIC trong BCTC quý 1 nên lợi nhuận giảm.