Nhiều ngân hàng đẩy mạnh bán vốn cho nước ngoài

29/05/2023 10:47

Khối ngân hàng tư nhân và ngân hàng cổ phần Nhà nước đang xúc tiến kế hoạch bán cổ phần cho đối tác nước ngoài thông qua các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Mở đầu việc bán vốn này là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngày 27/3/2023, Ngân hàng này thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản, thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. 

Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương mức giá 30.160 đồng/cổ phiếu), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh bán vốn cho nước ngoài - Ảnh 1Nhiều ngân hàng đẩy mạnh bán vốn cho nước ngoài. Ảnh minh họa

Trước đó, vào tháng 5/2022, hai bên đã ký kết với nhau Thỏa thuận Hợp tác Kinh doanh. Cuối năm 2021, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC – công ty con của SMFG – cũng đã mua lại 49% cổ phần tại FE Credit, công ty con của VPBank.

Mới đây, bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank cho biết: "Theo hợp đồng đã ký kết phát hành riêng lẻ với SMBC, ngay trong tháng 4, VPBank đã nhận tiền được số tiền đặt cọc 10% của SMBC. Hiện tại ngân hàng đang thực hiện các bước để hoàn tất thương vụ như xin phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền và chào bán riêng lẻ tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật. Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 2 – 3 tháng, dự kiến khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8 sẽ hoàn tất các thủ tục và nhận tiếp 90% số tiền còn lại, ghi nhận vào vốn của VPBank". 

Một ngân hàng tư nhân lớn khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đang đẩy mạnh hoạt động chào bán cổ phiếu cho đối tác ngoại, sau khi bị trì hoãn trong năm 2022.

Tại Đại hội tổ chức ngày vừa qua, cổ đông SHB đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. SHB còn nhiều dư địa để bán lượng lớn cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ ở mức 6,2%. 

Nói về chiến lược tìm kiếm cổ đông chiến lược, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển chia sẻ: “SHB là cô gái đẹp có nhiều chàng trai từ các quốc gia khác muốn kết hôn. Nhưng SHB ưu tiên các chàng trai thủy chung, nên mong muốn đối tác tham gia cùng quản trị điều hành và gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, qua gặp mặt các chàng rể thì các nhà đầu từ này chỉ có chiến lược đầu tư tài chính ngắn và trung hạn. Chung thủy 10 – 20 năm thì không có, nhưng chúng tôi đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài, chấp nhận họ chỉ đầu tư 3 – 5 năm rồi rút vốn.”

Chủ tịch Hiển cũng cho biết thêm, trong năm nay hoặc đầu năm sau SHB sẽ có một chàng rể ngắn và trung hạn.

Mới đây, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. Theo đó, SHBFinance sẽ được chuyển đổi từ Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội thành Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.

Bên phía nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước, BIDV cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ lâu, nhưng chưa thực hiện thành công.

Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội vừa qua, Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết, ban lãnh đạo ngân hàng đã rất nỗ lực để thực hiện việc này, đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua nhưng có điều không thuận lợi là tình hình kinh tế các nước, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước sẽ làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

“Năm nay chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chúng tôi có một số nhà đầu tư tiềm năng nhưng không thể công bố được. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”, ông Tú nhấn mạnh.

Tại Vietcombank, kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.

Ngoài ra, LPBank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo giới chuyên môn, các ngân hàng Việt Nam đang sử dụng đòn bẩy cao và chịu áp lực huy động vốn. Do vậy, tăng cường nguồn vốn của các ngân hàng là rất quan trọng đối với sự bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam.

Việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp các ngân hàng thay đổi tích cực về tài chính, mà còn tạo điều kiện để nâng cao khả năng công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều ngân hàng đẩy mạnh bán vốn cho nước ngoài" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#