Bộ Xây dựng vừa dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cho biết, tính đến ngày cuối cùng của năm 2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt gần 800.000 tỷ đồng và vẫn theo chiều hướng tăng.
Mặc dù dư nợ tín dụng tăng nhưng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp BĐS lại ngày càng khó khăn hơn.
Bộ Xây dựng trích báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến 28/10/2022 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.
Trong đó, các doanh nghiệp BĐS chiếm 28,87% tổng khối lượng phát hành; đứng thứ hai trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% (451.159 tỷ đồng) trong tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại thời điểm 30/9/2022.
Đáng chú ý, hai tháng cuối năm 2022, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp BĐS chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn. Trong đó, 99,6% trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp BĐS có tài sản bảo đảm. Riêng tháng 12/2022, trong tổng số 1.350 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ, thì doanh nghiệp BĐS phát hành 500 tỷ đồng.
Trong khi đó, báo cáo của VBMA cho biết, giá trị phát hành trái phiếu BĐS năm 2022 thấp hơn 80,8% so với năm trước do các yếu tố vĩ mô bất lợi. Nhóm BĐS đứng thứ hai về giá trị phát hành trong năm 2022 với 51.979 tỷ đồng, tương đương 20,4% tổng giá trị phát hành.
Do đó, Bộ Xây dựng đánh giá, trong thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Mới đây, Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng BĐS đối với cả doanh nghiệp BĐS và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án BĐS hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp BĐS, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...