Nhiều yếu tố tích cực đang hỗ trợ thị trường chứng khoán

Kể từ khi tạo đáy vào giữa tháng 7, chỉ số VN-Index đã củng cố xu hướng hồi phục trong tháng 8 với thanh khoản cải thiện khá tích cực. Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng có nhiều yếu tố tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong tháng 9.

Đầu tiên, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt nhưng khó có khả năng giảm xuống mức bình thường vào cuối năm 2022. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ không thay đổi trong tháng 7 so với tháng trước đó và giảm xuống mức tăng 8,5% so với cùng kỳ trong tháng 7. Giá xăng dầu giảm mạnh là nguyên nhân chính giúp lạm phát trong tháng 7 hạ nhiệt.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 7/2022 chỉ tăng 4,2% svck, mức thấp nhất trong 17 tháng. Xu hướng giảm của giá cả hàng hóa và chính sách tiền tệ thắt chặt là những yếu tố giúp giảm lạm phát kỳ vọng.

Tuy nhiên, khối phân tích lo ngại rằng lạm phát sẽ khó trở lại mức bình thường vào cuối năm 2022 vì nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn do xung đột Nga-Ukraine, tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp trên toàn cầu và Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero-Covid.

Thứ hai, dự kiến Fed sẽ giảm cường độ tăng lãi suất điều hành trong quý 4/2022 và 2023. Theo CME Group, thị trường dự báo lãi suất điều hành của Fed có thể được nâng thêm 75 điểm cơ bản (với xác suất 74,5%) tại cuộc họp tiếp theo được tổ chức vào ngày 20-21/9 tới đây. Trong nửa đầu năm 2023, thị trường dự báo lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ổn định ở mức 3,75-4,0%.

Thứ ba, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào quý 3. VNDirect kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 11% trong quý 3, mức tăng trưởng cao này là do mức nền thấp của quý 3/2021 khi GDP của Việt Nam giảm 6%. Bên cạnh đó, động lực đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ và việc Chính phủ nỗ lực triển khai gói kích thích kinh tế (giảm 2% thuế VAT), gói cấp bù bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 113.050 tỷ đồng...

VNDirect giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho cả năm 2022 là 7,1%. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn trong những quý tới như: tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do nhu cầu bên ngoài giảm, áp lực lạm phát tăng cao dịp cuối năm, và lãi suất tăng.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại (NHTM) từ cuối quý 3/2022. Nhóm phân tích kỳ vọng NHNN sẽ nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM từ cuối quý 3.

Tuy nhiên, việc tăng hạn mức tín dụng sẽ không cao và phụ thuộc vào từng ngân hàng cụ thể. Việc nới room tín dụng vẫn sẽ thực hiện theo kế hoạch của NHNN từ đầu năm ở mức 14%. Hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho các NHTM và thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, giá hàng hóa có xu hướng điều chỉnh trong thời gian qua và lạm phát trong tầm kiểm soát đã tạo điều kiện để NHNN tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay.

Thứ năm, Nghị định 153 sửa đổi về "phát hành trái phiếu doanh nghiệp" vẫn đang chờ được thông qua. Thị trường đang trông đợi vào bản sửa đổi cuối cùng của Nghị định 153 có thể sớm được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững. Việc sớm ban hành Nghị định 153 sửa đổi giúp các doanh nghiệp tiếp cận lại với kênh trái phiếu, một kênh huy động vốn ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Cuối cùng, giao dịch T+2 sẽ có tác động tích cực đến các nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Về phía nhà đầu tư, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống T+2 giảm thời gian thanh toán, giúp nhà đầu tư phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của nền kinh tế và thị trường tài chính. Từ đó, nhà đầu tư có thể tăng hiệu quả đầu tư cũng như tiết kiệm chi phí giao dịch

Về phía thị trường, điều này góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường. Ngoài ra, nó còn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ thị trường nâng hạng lên thị trường mới nổi.