Những 'chấn động' trên thị trường tài chính thế giới năm 2021 (PI)

Thị trường tài chính thế giới vừa trải qua một năm biến động mạnh bởi nhiều sự kiện từ vụ “thổi” giá cổ phiếu vô danh GameStop tới thảm họa quỹ đầu tư Archegos.

2021 cảm tưởng là một năm rất dài của thị trường tài chính thế giới, với nhiều sự kiện mang lại cho nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc hơn về bản chất thay đổi nhanh chóng của hoạt động giao dịch và đầu tư.

GameStop: Sự trả thù của những kẻ tưởng chừng không biết gì

Tháng 1, thị trường chứng khoán Mỹ bàng hoàng trước khối lượng giao dịch khổng lồ và giá cổ phiếu tăng vọt của các công ty không mấy nổi bật như nhà bán lẻ trò chơi điện tử GameStop hay chuỗi rạp chiếu phim AMC.

Mọi thứ bắt đầu khi xuất hiện một bài thảo luận về những giá trị chưa được khai thác của GameStop trên trang Reddit vài tháng trước đó. Thông tin này đã kích thích một nhóm nhà đầu tư hành động nhằm loại bỏ vị thế bán với cổ phiếu này do quỹ đầu cơ Melvin Capital nắm giữ. Được thúc đẩy bởi các meme trên mạng xã hội, làn sóng này sau đó lan rộng trong giới đầu tư nhỏ lẻ.

Điều này khiến một số công ty môi giới buộc phải hạn chế giao dịch cổ phiếu GameStop. Robinhood, ứng dụng giao dịch miễn phí phổ biến trong giới giao dịch ngày, thậm chí phải yêu cầu các cổ đông bơm tiền mặt để thực hiện bảo lãnh với cơ quan thanh toán bù trừ trong bối cảnh nhà đầu tư giao dịch điên cuồng.

reddit-2867-1639936821.jpg

Keith Gill, người kích hoạt làn sóng "thổi giá" cổ phiếu GameStop. Ảnh: AP.

Giới chính trị gia muốn biết rõ chuyện gì đã xảy ra nên họ mời những người trong “tâm bão” tới Washington để giải thích, trong đó có Vlad Tenev của Robinhood, Ken Griffin của công ty tạo lập thị trường Citadel Securities và Keith Gill, hay còn gọi là Roaring Kitty, là người đăng bài viết gây “sóng” trên Reddit.

Trải qua đợt “thổi” giá cổ phiếu GameStop, các công ty môi giới, quỹ đầu tư và cơ quan quản lý rõ ràng đã học được bài học về sức mạnh của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường tài chính. Sự việc này có thể dẫn tới một cuộc cải cách thị trường. Cơ quan quản lý Mỹ đang xem xét hoạt động thanh toán cho dòng lệnh mà ở đó công ty môi giới bán lệnh của khách hàng cho các nhà tạo lập thị trường. Đồng thời, khoảng thời gian hai ngày được phép để chuyển cổ phiếu có thể giảm một nửa.

Đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ: Khi sự kiện nhàm chán không còn nhàm chán

Các cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 7 năm thường chỉ thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia. Nhưng vào ngày 25/2, một sự kiện nhàm chán như vậy lại gây rúng động khắp các thị trường tài chính khi nhu cầu ở mức thấp kỷ lục đã tác động đến giá của toàn bộ thị trường trái phiếu Mỹ.

Giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5, 7 và 10 năm đều giảm mạnh. Giới nghiên cứu tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gọi đó là “sự kiện chớp giật”.

trai-phieu-chinh-phu-my-9078-1639936821.

Tình hình thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ ngày càng tồi tệ. Ảnh: FT.

Đà lao dốc trên thị trường trái phiếu Mỹ phản ánh một trong những mối quan tâm cấp bách nhất của giới đầu tư trong năm nay, là lạm phát. Khi đó, các nhà quản lý quỹ bắt đầu nhận ra rằng giá tiêu dùng đã tăng trở lại và nó là mối đe dọa bấy lâu nay đối với thị trường trái phiếu, một loại tài sản mang lại lợi nhuận cố định cho nhà đầu tư. Mặt khác, nó cũng cho thấy thị trường quan trọng nhất thế giới này không hề mạnh mẽ về mặt cấu trúc như giới đầu tư vẫn hy vọng.

Nhớ lại vào tháng 3/2020, một đợt lao dốc như vậy cũng từng xảy ra do thanh khoản, tức là khả năng người bán dễ dàng tìm thấy người mua và ngược lại, cạn kiệt. Đó là một ví dụ điển hình cho thấy một vấn đề dài hạn: kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà cung cấp thanh khoản truyền thống, tức là nhóm 24 ngân hàng trên Phố Wall, dần rút lui trong bối cảnh chi phí cao do yêu cầu về vốn bị siết chặt. Cùng với các quỹ đầu tư và các nhà giao dịch tần suất cao, những ngân hàng này, với vai trò bị giảm sút, bắt đầu rút tiền vào những thời điểm thị trường biến động.

Chính phủ Mỹ đã đề xuất các kế hoạch cải cách, song đều không được ban hành. Điều này cho thấy rủi ro thị trường trái phiếu biến động mạnh khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2022.

Vụ 'đánh rơi' 20 tỷ USD của quỹ Archegos: Hậu quả của siêu đòn bẩy

Ý tưởng về một thứ gọi là văn phòng gia đình nhằm quản lý tài sản của các doanh nhân thành đạt vì lợi ích của thế hệ sau và hoạt động từ thiện nghe có vẻ khá kỳ quặc. Tuy nhiên, vào tháng 3, một số ngân hàng vốn khó tính lại nhận về hậu quả tàn khốc khi dính dáng tới một quỹ quản lý tài sản vô danh Archegos Capital Management của Bill Hwang.

bill-hwang-7826-1639936821.jpg

Bill Hwang, người điều hành quỹ Archegos Capital Management. Ảnh: FT.

Hwang, người từng thành công với vai trò là nhà quản lý tại quỹ đầu tư nổi tiếng Tiger Management của tỷ phú Julian Robertson vào những năm 1990 và thập niên 2000, đã xây dựng đòn bẩy khổng lồ với loạt ngân hàng có tiếng để đặt cược vào một lượng nhỏ cổ phiếu. Điều kỳ lạ là các ngân hàng này dường như sẵn lòng giúp đỡ Hwang dù ông bị cấm tham gia thị trường tài chính Mỹ vào năm 2013 do bị cáo buộc về có giao dịch nội gián.

Khi màn đặt cược của ông vào ViacomCBS thất bại, gây ra một chuỗi sự kiện khác và khiến các ngân hàng, như Credit Suisse và Nomura, thua lỗ hàng tỷ USD.

May mắn thay, thiệt hại chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng chứ không ảnh hưởng tới các thị trường tài chính. Tuy nhiên, sự kiện này buộc các ngân hàng phải suy nghĩ lại về cách đối xử của họ với những khách hàng kiểu như Archegos cũng như mức độ mở rộng đòn bẩy cho khách hàng.

Tiền điện tử: Cú lao dốc không kịp thở

Giá Bitcoin diễn biến bình lặng một cách bất thường trong quý đầu tiên của năm nay, thậm chí còn liên tục lập đỉnh mới mà mức kỷ lục gần nhất là lên gần 62.000 USD. Tuy nhiên, đà tăng suôn sẻ đó đã dừng lại vào tháng 5 khi Trung Quốc đàn áp tiền điện tử cũng hoạt động đào Bitcoin. Hành động này đã châm ngòi cho đợt lao dốc nghiêm trọng của Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung trong năm 2021.

Giá Bitcoin lao dốc tới 0% vào ngày 19/5, xuống đáy ở 30.000 USD trong một phiên giao dịch hỗn loạn sau khi Bắc Kinh cảnh báo về việc sẽ siết chặt gọng kìm hơn nữa. Giá càng giảm mạnh sau một dòng tweet của CEO Tesla cũng là người lâu nay luôn ủng hộ tiền điện tử, Elon Musk, đồng tình về tác động môi trường của Bitcoin.

Làn sóng bán tháo này đã xóa sổ số vị thế trị giá hàng tỷ USD mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ đặt cược vào. Nó cũng cho thấy một loạt điểm yếu về cấu trúc của thị trường tiền điện tử khi một số trang hay ứng dụng giao dịch lớn nhất gặp trục trặc trong các phiên sụt giá.

Tuy nhiên, giá tiền điện tử không giảm mãi. Giá bắt đầu phục hồi và duy trì đà đi lên từ cuối tháng 9 khi thị trường Mỹ ra mắt ETF Bitcoin tương lai. Việc ra mắt các hợp đồng này giúp đẩy Bitcoin lên mức cao nhất mọi thời đại mới vào đầu tháng 11.

Đầu tháng 12, giá lại giảm mạnh trở lại, mà lần này là do ảnh hưởng từ sự chao đảo của các thị trường truyền thống. Điều này chứng tỏ thị trường tiền điện tử và Phố Wall vẫn có mối liên hệ với nhau, vì ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn trên Phố Wall tham gia vào thị trường tiền điện tử.