Những lý do khiến đồng euro 'tuột dốc'

Khi kinh tế Mỹ chao đảo trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, mỗi đồng euro cao gấp khoảng 1,6 lần đô la Mỹ.

Đồng euro mất giá nghiêm trọng vì xung đột ở Ukraine. (Ảnh: CNN)

Giờ đây, những tác động nặng nề của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chần chừ tăng lãi suất đã kéo tỷ giá xuống 1:1.

Đây là lần đầu tiên tỷ giá hối đoái của đồng euro so với đô la Mỹ xuống đến mức này kể từ năm 2002, khi đồng tiền chung châu Âu mới ra đời không lâu.

Châu Âu chịu tác động mạnh nhất từ cuộc xung đột ở Ukraine, nhất là khủng hoảng năng lượng cùng nguy cơ suy thoái sâu và kéo dài.

Tình hình này đẩy ECB vào thế khó khăn: Vừa phải kìm chế lạm phát vừa phải kích thích nền kinh tế đang phát triển chậm lại.

Trong lúc đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản với tốc độ nhanh hơn nhiều so với khu vực 19 quốc gia sử dụng chung đồng euro. Điều này khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn so với lợi suất trái phiếu châu Âu, dẫn đến việc các nhà đầu tư chuyển sang đô la Mỹ và quay lưng với euro.

Không chỉ thế, đồng bạc xanh đang được coi là thiên đường an toàn, nghĩa là khi cuộc xung đột không biết kéo dài đến khi nào, đồng euro càng trở nên rủi ro và kém hấp dẫn hơn.

Trong nhiều năm, giới làm chính sách ở nhiều quốc gia luôn muốn làm yếu đồng nội tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế, vì đồng tiền yếu hơn giúp hàng hóa xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn.

Nhưng hiện nay, khi lạm phát trong khu vực đồng euro lên mức cao nhất, việc đồng euro yếu đi là điều không mong muốn vì khiến giá cả tăng cao, khi nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng ở khu vực đồng euro tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhà làm chính sách nhấn mạnh rằng đồng euro yếu đi gây rủi ro cho mục tiêu của ngân hàng trung ương trong nỗ lực đưa lạm phát về 2% trong dài hạn, dù ECB không định có hành động gì với tỷ giá hối đoái.

Tỷ giá hối đoái 1:1 được coi là một ngưỡng tâm lý đối với thị trường.

Đó cũng là đòn giáng vào niềm tự hào của người châu Âu, khi họ coi đồng tiền chung là dự án chính trị quan trọng để cạnh tranh với vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ.

Ngày nay, euro được coi là một trong những ngoại tệ mạnh nhất của thế giới, được dùng trong giao dịch quốc tế và dự trữ.

Giới phân tích cho rằng rất khó để biết euro có giảm giá tiếp không. Một số người dự đoán đồng tiền này có thể xuống mức 90 euro đổi một đô la Mỹ, nếu xung đột ở Ukraine leo thang và Nga giảm bớt khí đốt cung cấp cho châu Âu thêm nữa.