Hơn 100 m2 sàn bê tông tại tầng 28 của tòa nhà The Hallmark, thuộc dự án The Metropole Thủ Thiêm (của chủ đầu tư Quốc Lộc Phát do Sơn Kim Land phát triển) ở TP Thủ Đức, TP.HCM, vừa đổ sập khiến hoạt động thi công tại đây phải tạm dừng. Các chuyên gia trong ngành xây dựng khẳng định sự cố sập sàn bê tông không còn là chuyện hy hữu, nhưng tình huống này cho thấy có lỗ hổng đến từ quá trình thi công của nhà thầu.
Sự cố xảy ra chiều 11/9, khi công nhân tại đây đang đổ bê tông và chuẩn bị đến bước làm đẹp mặt sàn. Ngay khi giàn giáo bị nghiêng, các công nhân di tản khỏi khu vực và kịp tránh vụ sập sàn bê tông xảy ra.
Các chi tiết giàn giáo không được lắp đặt đúng dẫn đến các mối liên kết không được chặt chẽ.
TS Phan Hữu Duy Quốc
Trao đổi với Zing, TS Phan Hữu Duy Quốc, Chủ tịch HĐQT Sagosan Group - chuyên gia xây dựng, cho biết theo quy trình thi công sàn, đơn vị thi công sẽ lắp dựng giàn giáo chống đỡ ván khuôn, sau đó mới đổ bê tông lên ván khuôn này.
“Sự sập đổ sàn chỉ xảy ra khi ván khuôn không đủ khả năng chống đỡ bê tông”, TS Quốc nói.
Sự cố gây sập sàn xảy ra ở hơn 100 m2 của tầng 28, thay vì các tầng 27, 26, 25… trong khi thiết kế các tầng đều lặp lại như nhau. Loại trừ sơ suất đến từ thiết kế, ông Quốc nhìn nhận đây là sự cố cục bộ, và cụ thể lỗi này xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là hệ giàn giáo đã không được lắp đặt đúng thiết kế và vật liệu dàn giáo có khiếm khuyết (nứt, gãy, mòn) mà không được phát hiện trong quá trình chuẩn bị và lắp đặt.
Phần bê tông bị đổ sập dày 20-30 cm. Ảnh: Duy Hiệu.
Theo đó, ông Quốc cho biết bản thân tải trọng của bê tông tươi đã khiến hệ giàn giáo không chịu được lực và kéo theo mất ổn định tập thể chứ không chịu tác động từ ngoại lực.
“Các chi tiết giàn giáo không được lắp đặt đúng dẫn đến các mối liên kết không được chặt chẽ như thiết kế. Và khi một bộ phận dù nhỏ bị mất ổn định sẽ kéo theo sự sụp đổ domino”, chuyên gia Phan Hữu Duy Quốc phân tích.
TS Phan Hữu Duy Quốc. Ảnh: Văn Nguyện.
Đồng quan điểm, ông A. một chuyên gia tư vấn giám sát công trình xây dựng tại TP.HCM (nhân vật xin phép ẩn danh) cho biết trong trường hợp đang đổ bê tông như trên, nguyên nhân sàn bị sập nằm trong 3 tình huống chính.
Một là ván khuôn kê kích không đúng. Hai là lắp hoặc căng cáp dự lực trước xảy ra sai sót.
Trường hợp thứ 3 là trong quá trình đổ bê tông, bê tông được bơm lên tại một điểm khá lớn dẫn đến lực xung kích tại khu vực đó đã gây gãy cục bộ hơn 100 m2 sàn.
“Vì nếu không, sàn phải bị sập hoàn toàn chứ không dừng lại ở một phần như đã thấy. Trong khi điều này không xảy ra ở các tầng còn lại, chứng tỏ có sự chủ quan rất lớn của nhà thầu thi công”, chuyên gia phân tích.
Vị trí xảy ra sự cố tại tầng 28 trên tổng quy mô 30 tầng của tòa The Hallmark. Ảnh: Quỳnh Danh.
Còn trong trường hợp chưa sàn chưa được đổ bê tông, nguyên nhân chính dễ xác định vì chỉ liên quan đến cốt pha, thép chưa đảm bảo. Khi khả năng chống chọi của ván khuôn chưa tốt thì việc sàn bị đổ sập là điều bình thường.
Theo đánh giá của chuyên gia tư vấn giám sát, sự cố đổ sập sàn bê tông khả năng lớn có tác động đến một số khu vực của hai tầng gần nhất là 27 và 26. Và để đảm bảo chắc chắn, vị này cho rằng các đơn vị sẽ cần xem xét lại hiện trạng để xác định có vết nứt hay biến dạng kết cấu nào khác.
Sự cạnh tranh giữa các nhà thầu, ngân sách rất thấp của các chủ đầu tư cho dự án khiến chi phí cho biện pháp thi công, an toàn bị giảm.
TS Phan Hữu Duy Quốc
“Việc khắc phục tình trạng này trong xây dựng là không khó, nhưng sẽ tốn kém nhiều chi phí vì phải tháo dỡ để làm lại từ đầu”, chuyên gia này nói.
Có quan điểm khác, TS Phan Hữu Duy Quốc cho biết việc đổ bê tông của tầng 28 được tiến hành sau khi các tầng bên dưới đã được hoàn thiện về kết cấu. Trường hợp nguyên nhân sự cố xuất phát từ sự mất ổn định của hệ giàn giáo, dưới tác động của tải trọng bê tông tươi vừa đổ xong (không có ngoại lực nào khác), nhiều khả năng sự cố này chỉ ảnh hưởng đến khu vực đang đổ bê tông và khu vực xung quanh tầng 28.
“Còn đối với kết cấu tổng thể của tòa nhà hầu như khó có tác động”, TS Quốc cho hay.
Gợi mở giải pháp khắc phục, theo ông Quốc, cần xác định phạm vi ảnh hưởng của sự cố, bao gồm khu vục bị sập và vùng lân cận, đồng thời tháo dỡ toàn bộ hệ giàn giáo, ván khuôn, cốt thép và bê tông để làm lại từ đầu.
Chuyên gia nhận định tác động sự cố ở phạm vi cục bộ. Ảnh: Duy Hiệu.
Để tránh lặp lại hiện tượng tương tự tại công trình, ông Quốc cho rằng cần lưu ý 5 vấn đề. Một trong số đó là khâu thiết kế, biện pháp thi công cẩn thận với hệ số an toàn phù hợp, có thẩm tra thiết kế đối với hệ giàn giáo.
Hai là lựa chọn vật liệu và công cụ đạt yêu cầu, kiểm tra cẩn thận khi sử dụng lại vật liệu nhiều lần. Ba là lắp đặt giàn giáo đúng như thiết kế, tự nghiệm thu và được nghiệm thu bởi giám sát trước khi thi công.
Vấn đề thứ 4, tuyệt đối không để phát sinh ngoại lực ngoài dự kiến (vật rơi, va đập). Cuối cùng là không đổ bê tông thành một đống to trên sàn mà luôn phải phân đều bê tông trong quá trình thi công.
TS Phan Hữu Duy Quốc cũng nhìn nhận trong những năm gần đây, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà thầu, ngân sách rất thấp của các chủ đầu tư cho dự án, khiến cho chi phí dành cho biện pháp thi công và an toàn bị giảm đi. Điều này đã làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố.
Ngoài ra, những sự cố xây dựng lớn xảy ra trước đây đều liên quan đến kết cấu tạm (giàn giáo, hệ chống) trong khi việc giảng dạy và đào tạo ở nhà trường, ở các công ty chưa được lưu tâm đúng mức.
Tòa tháp The Hallmark thuộc dự án The Metropole Thủ Thiêm (của chủ đầu tư Quốc Lộc Phát do Sơn Kim Land phát triển) có quy mô 30 tầng nổi, với 26 tầng làm văn phòng cho thuê, 4 tầng dành cho thương mại dịch vụ và không gian ẩm thực. Trên tổng diện tích sàn 68.000 m2, diện tích mỗi sàn dao động từ 1.600 đến 2.300 m2. Công ty CP Xây dựng Central là tổng thầu tòa tháp văn phòng The Hallmark.
Vị trí dự án The Metropole Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Ảnh: Google Maps.