Kể từ khi áp dụng Chỉ thị 16, mục tiêu cao nhất được TP.HCM đặt ra là giảm tối thiểu ca tử vong. Các quyết sách chống dịch được chuyển trọng tâm từ xét nghiệm sang điều trị. Số bệnh viện dã chiến và bệnh viện hồi sức Covid-19 được thiết lập với tốc độ chưa từng có trong lịch sử.
“Bảo vệ tính mạng người dân là mục tiêu trên hết, trước hết”. Đó là thông điệp được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo Trung ương nhấn mạnh nhiều nhất những ngày qua. Mọi nỗ lực đều hướng về mục tiêu hạn chế số bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở mức thấp nhất.
Liên tục nâng tầng điều trị
Một Tổng đài 115 dã chiến điều phối cấp cứu bệnh nhân Covid-19 được thành lập tại Công viên Phần mềm Quang Trung chỉ trong vài ngày. 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực được thành lập tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12 và TP Thủ Đức. Từ 14 đường truyền, Tổng đài 115 được nâng lên 40 đường truyền để không bỏ sót bất kỳ cuộc gọi cấp cứu nào của người dân.
Từ 23 xe cấp cứu, Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ được bổ sung thêm 100 xe với đủ ê-kíp cấp cứu. Thêm vào đó, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM hoán cải 226 xe 15 chỗ thành xe vận chuyển người bệnh, có trang bị bình oxy. Các xe này được phân bổ về 22 địa phương tùy theo nhu cầu.
Một tổ công tác đặc biệt điều phối người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch cũng được thành lập, hoạt động 24/24. Mục tiêu là hỗ trợ ngay các cơ sở được phân công tiếp nhận người bệnh Covid-19 gặp khó khăn khi liên hệ chuyển bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Mô hình tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP.HCM. Đồ họa: Medinet. |
Để ứng phó với số ca F0 tăng cao, Sở Y tế TP.HCM liên tục nâng cấp hệ thống điều trị Covid-19 từ 3 tầng lên 4 tầng và hiện nay là 5 tầng. Trong đó, thay đổi lớn nhất là bổ sung cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 ngay từ tuyến quận, huyện, TP. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa cũng được thiết lập với hàng nghìn bác sĩ tham gia.
Bộ Y tế quyết định thành lập thêm 4 trung tâm hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, ngoài Bệnh viện Hồi sức Covid-19 với 1.000 giường đã hoàn thiện tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Đồng thời, Bộ Y tế cũng giảm thời gian nằm viện của F0 để giảm áp lực cho hệ thống y tế, nâng cao khả năng thu dung bệnh nhân cần điều trị.
Dù chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo số lượng bệnh nhân và trường hợp tử vong sẽ gia tăng thời gian tới.
Phân tích tần suất tử vong từng tầng để có chiến lược phù hợp
Để giải bài toán giảm ca tử vong do Covid-19 tại TP.HCM, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng TP.HCM cần thống kê tần suất tử vong ở 5 tầng điều trị để có giải pháp phù hợp.
Cụ thể là: Tần suất tử vong tại nhà; tần suất tử vong trước khi đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế; tần suất tử vong trong 24 giờ sau khi nhập viện; tần suất tử vong trong thời gian nằm viện; và thời gian trung bình từ lúc người bệnh hoặc các bệnh viện liên hệ đến lúc chuyển được người bệnh đến nơi mong muốn.
Theo phân tích của TS. Phúc, nếu tần suất tử vong tại nhà cao, trách nhiệm thuộc về hệ thống chăm sóc y tế tại tầng 1. Can thiệp ở tầng này là phải thiết lập mạng lưới bác sĩ tư vấn (công lập và tư nhân) qua điện thoại và hệ thống nhà thuốc tây theo từng phường/xã, quận/huyện. Nhân viên trạm y tế phường phải biết danh sách này để hướng dẫn trực tiếp cho người mắc bệnh.
Trong khi đó, bác sĩ Phúc đánh giá tần suất tử vong cao tại tầng 5, tầng nặng nhất, là do bệnh nhân nhiễm quá nặng, hoặc có nguyên nhân khách quan như thiếu trang thiết bị (máy thở, ECMO, nguồn nhân lực).
“Theo tôi thấy hiện lãnh đạo ngành y tế đã tập trung rất nhiều về nhân lực và vật lực vào tầng này rồi nhưng tần suất tử vong vẫn cao, vậy phải xem xét đến những nguyên nhân khác”, bà đánh giá.
TP.HCM thiết lập thêm nhiều bệnh viện để điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nếu tần suất tử vong trước khi đến bệnh viện và trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện cao, bác sĩ Phúc cho rằng có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, chuyển viện chậm trễ vì nhiều lý do khách quan và chủ quan như không có xe chuyển do quá tải trong chuyển bệnh, di chuyển quá xa, tuyến trên không có giường.
Thứ hai là chuyển viện không an toàn do thiếu người hỗ trợ và trang thiết bị trên xe chuyển bệnh. Thứ ba là tầng dưới phát hiện và nhận diện bệnh nhân nặng không kịp thời, có thể do thiếu nhân lực, trang thiết bị (máy đo SpO2 để theo dõi, máy thở tạm thời trước khi chuyển tầng); hoặc nhân viên y tế chưa được huấn luyện để nhận diện sớm và xử trí ban đầu bệnh nhân nặng.
Điểm yếu nhất chính là hệ thống chuyển viện và liên thông giữa các tầng.
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc
TS. Phúc đánh giá hiện nay, TP.HCM tập trung thiết lập thêm bệnh viện hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 tại tầng 5 và kêu gọi nhân lực để hỗ trợ tầng này. Tuy nhiên, bà cho rằng để giảm tử vong, ngành y tế nên củng cố tầng 2, 3, 4.
Đặc biệt, chuyên gia cho rằng điểm yếu nhất chính là hệ thống chuyển viện và liên thông giữa các tầng. Bà kiến nghị tăng bệnh viện ở tầng 3 sao cho mỗi quận/ huyện/TP có 1-2 bệnh viện thuộc tầng này để nếu bệnh nhân trở nặng có thể từ nhà chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.
Về tầng điều trị thứ 4, bà Phúc phân tích có những bệnh viện phải tách đôi và chữa bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền khá nặng, song song với bệnh nhân thường. Theo bà, nhân lực và trang thiết bị cho nhóm bệnh viện này phải được tăng cường không thua kém tầng 5, trừ ECMO.
Bà kiến nghị tăng thêm số bệnh viện ở tầng này bằng cách chọn thêm các bệnh viện và hoạt động theo cơ chế tách đôi, phân đều cho các quận, mỗi quận phải có ít nhất 1-2 bệnh viện thuộc tầng này để những bệnh nhân trở nặng sẽ được cấp cứu ngay trong trường hợp chưa thể chuyển lên tầng 5.
Bác sĩ Vũ Minh Phúc cho rằng để giải bài toán giảm số ca tử vong trong thời gian tăng tốc tiêm chủng, TP.HCM phải tiếp cận một cách có hệ thống dựa trên cơ sở dữ liệu để đưa ra những quyết sách phù hợp.