Nợ xấu tại VPBANK tăng kỷ lục và những rủi ro hiện hữu năm 2021

16/04/2021 09:14

Từ báo cáo tài chính năm 2020, hẳn nhiều người đang mong ngóng kết quả báo cáo tài chính Quý I/2021 của VPBANK để có thể xóa tan cảm giác bất an cho chu kỳ tiếp theo.

2015khai-truong-vpbank-4-1500623294873-1556592157842704542249-crop-15565921612321159266175

Nợ xấu tăng thêm 1,1 ngàn tỷ đồng

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank do đại gia Ngô Chí Dũng làm Chủ tịch HĐQT – đại diện pháp luật hiện có tổng tài sản 419 ngàn tỷ đồng (tăng 42 ngàn tỷ so với năm 2019). Cuối năm 2020, VPBank báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 10,4 ngàn tỷ đồng, tăng 2,2 ngàn tỷ đồng so với năm 2019.

Tổng tài sản tăng, kéo theo khoản nợ phải trả tăng cao, từ 334 ngàn tỷ đồng (năm 2019) lên 366 ngàn tỷ đồng (năm 2020).

Tình hình nợ xấu cũng đang trên đà tăng, nếu như năm 2019, VPBank có 8.796 tỷ đồng nợ xấu thì cuối năm 2020 đã là 9.922 tỷ đồng (tăng 1.126 tỷ đồng). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đang ở mức 2.075 tỷ đồng (tăng 37 tỷ đồng); nợ nghi ngờ đang ở mức 1.823 tỷ đồng (tăng 512 tỷ đồng); nợ dưới mức tiêu chuẩn đang ở con số 6.024 tỷ đồng (tăng 577 tỷ đồng).

Cơ cấu nợ của VPBank cơ bản nằm ở khoản mục “nợ ngắn hạn” (102 ngàn tỷ đồng) và “nợ trung hạn” (126 ngàn tỷ đồng), cả 02 khoản nợ này đều tăng so với năm 2019.

Dư nợ của VPBank “hộ kinh doanh, cá nhân “ được báo cáo ở con số 162 ngàn tỷ đồng (chiếm 58,7%), dư nợ lĩnh vực bất động sản là gần 37 ngàn tỷ đồng, cho vay cá nhân để mua nhà ở cũng chiếm 36 ngàn tỷ đồng…

FE Credit: Vốn tăng mạnh nhưng lợi nhuận lao dốc, nợ xấu gần 7%

Thời gian gần đây, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (hay còn gọi là FE Credit) không công khai báo cáo tài chính quý, năm.

Tại báo cáo tài chính của VPBank cho thấy, ngân hàng này đang sở hữu 100% vốn tại FE Credit, với tổng vốn điều lệ là 7.328 tỷ đồng.

FE Credit hiện do ông Lô Bằng Giang làm đại diện pháp luật. Ông Giang cũng là Phó chủ tịch HĐQT tại VPBank.

Trước đó, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho biết lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt gần 2.970 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2019. Bình quân mỗi tháng Công ty lãi khoảng 247 tỷ đồng.

Kết quả này được đóng góp chính trong nửa đầu năm khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận gần 1.930 tỷ đồng, trong khi đó, nửa cuối năm còn lại hụt hơi dần khiến Công ty tăng trưởng âm.

Vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2020 tăng gần 3.000 tỷ đồng lên 15.490 tỷ đồng.

Vốn tăng mạnh nhưng lợi nhuận lao dốc nên tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 28,68% xuống 19,17%. Hệ số nợ cũng giảm 4,84% xuống 3,74%, nhưng chỉ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu lại tăng vọt từ 4 lần lên 14,53 lần.

Theo báo cáo của VPBank (mã chứng khoán VPB), lãi trước thuế FE Credit năm 2020 đạt 3.713 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước. Doanh số giải ngân của FE Credit đạt 63.000 tỷ đồng, giảm 14%.

Đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit tăng 9%, lên 66.000 tỷ đồng, trong đó 37% từ khách hàng mới. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 6% thời điểm cuối năm trước lên mức 6,6%.

Theo Báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh của VPBank do Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI công bố nửa cuối tháng 2/2021, việc bán 49% vốn tại FE Credit sẽ mang về khoản lãi sau thuế 21.000 tỷ đồng cho VPBank.

Đơn vị này dẫn thông tin từ ban lãnh đạo ngân hàng, cho biết quá trình thẩm định đã thành công và FE Credit đang đàm phán với đối tác, dù tiến độ thảo luận có phần bị gián đoạn do ảnh hưởng từ đại dịch, tuy nhiên, VPBank kỳ vọng đàm phán có thể sẽ được hoàn tất vào quý II/2021.

Trong trường hợp đàm phán không thành công, VPBank sẽ xem xét IPO FE Credit vào cuối năm 2021.

Khác với ngân hàng, FE Credit là công ty tài chính nên VPBank có thể bán vốn tới 49%. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, nếu ngân hàng bán 49% FE Credit thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi, nhưng khi có đối tác chiếm đến 49% thì sẽ đem lại công nghệ mới cùng nguồn vốn hùng hậu cho công ty. Phần vốn bán được sẽ có nhiều phương án sử dụng, chẳng hạn giúp ngân hàng mẹ tăng vốn, tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay retail, SME...

Bên cạnh việc IPO FE Credit, VPBank còn có thể tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại, hoặc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược hay phát hành trái phiếu...

Theo số liệu do VPBank công bố, 9 tháng đầu năm, FE Credit đã giải ngân khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Con số này thấp hơn 10 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến cuối tháng 9/2020, tổng dư nợ của FE Credit là 64,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng của FE Credit chiếm khoảng 20% toàn hệ thống VPBank hợp nhất.

Đáng chú ý, nợ xấu của FE Credit tăng mạnh so với các quý trước. Nếu tính theo chuẩn mực kế toán VAS, nợ xấu của FE Credit hiện ở mức 6,9%, cao gấp rưỡi so với thời điểm cuối quý 1/2020.

Áp lực tăng trưởng tín dụng hay buông lỏng quản lý vốn?

Mới đây, Công an Thành phố Thanh Hóa đã khởi tố 7 đối tượng trong ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, chuyên làm giả chứng minh nhân dân để lừa đảo, chiếm đoạt gần 500 triệu đồng của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (FE Credit)….

Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hóa đã thu giữ: 37 CMND giả với nhiều tên và địa chỉ ở các tỉnh thành khác nhau nhưng lại có gắn ảnh các đối tượng trên CMND; 27 thẻ sim điện thoại chưa sử dụng, 1 bộ máy tính, 1 máy in màu, 1 bộ máy dập quốc huy và Công an hiệu, 1 máy ép plastic…là các dụng cụ bọn chúng dùng để làm CMND giả cùng nhiều tài liệu có liên quan.

Trước đó, Công an TP Thanh Hóa nhận được tin báo tại Bưu điện TP Thanh Hóa trong suốt quá trình giao dịch giải ngân tiền chi trả cho Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (FE Credit), giao dịch viên của Bưu điện thành phố đã phát hiện có 2 khách hàng đã sử dụng CMND giả để giao dịch và rút thành công tổng số tiền hơn 78 triệu đồng từ khoản vay của FE Credit.

Sau hơn 1 tháng điều tra đến ngày 30/3, Công an TP Thanh Hóa đã xác định 7 đối tượng nêu trên cùng với một số đối tượng khác đã chuyên làm giả CMND để lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty tài chính FE trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với số tiền gần 500 triệu đồng.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Do hiểu biết về tin học và nợ nần nên các đối tượng nói trên đã rủ nhau đánh cắp thông tin: Họ và tên, địa chỉ, số CMND, số điện thoại của các khách hàng đã từng vay tiền của Công ty FE credit.

Sau đó, các đối tượng này đã làm giả CMND theo các thông tin đã đánh cắp rồi dán ảnh của mình vào và đến các điểm cung cấp sim thẻ điện thoại của các nhà mạng như: Viettetl, Vinaphone để báo mất sim, số và đề nghị được cấp lại sim số.

Sau khi đã đánh cắp được số điện thoại từ các nhà mạng, các đối tượng đã dùng CMND giả và số điện thoại vừa đánh cắp được tiến hành làm hợp đồng vay tiền với  hình thức “tín chấp” trên mạng xã hội của Công ty tài chính MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng với các khoản vay từ 20 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Khi hợp đồng vay vốn thành công, nhân viên của Công ty FE sẽ gọi vào số điện thoại mà các đối tượng đã đánh cắp để kiểm tra và xác nhận thông tin thì được các đối tượng cung cấp thông tin trong CMND giả và yêu cầu ngân hàng giải ngân các khoản vay qua bưu điện thì được FE credit đồng ý cho vay tiền, cung cấp cho đối tượng một mật mã OTP để rút khoản tiền vay này tại một bưu điện bất kỳ theo ủy nhiệm chi của FE Credit đã ký hợp đồng với Bưu điện Việt Nam.

Sau khi được FE credit cung cấp mã rút tiền, các đối tượng này đã đến các bưu cục bất kỳ trên địa bàn cả nước, đưa giấy CMND (giả) và cung cấp mã OTP thì sẽ được bưu điện chi chả toàn bộ số tiền vay mà các đối tượng đã yêu cầu vay trước đó của FE credit. Sau khi chiếm đoạt được số tiền vay, các đối tượng tiến hành hủy CMND giả và sim điện thoại “rác” mà trước đó dùng để vay tiền.

Bằng thủ đoạn trên, từ ngày 23/2/2021 đến khi bị phát hiện, bắt giữ các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt được số tiền gần 500 triệu đồng của FE Credit.

Ngoài ra, các đối tượng này còn thừa nhận đã cùng một số đối tượng khác cũng gây ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của FE credit với số tiền lên tới hàng tỷ đồng tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Qua vụ việc trên cho thấy, áp lực tăng trưởng tín dụng quá nóng, cộng với sự buông lỏng quản lý của VPBANK – FF Credit, trong đó có sự tiếp sức – trục lợi của nhân viên ngân hàng… khiến cho tình trạng lừa đảo, giả mạo hồ sơ, chiếm đoạt tiền của ngân hàng diễn ra thường xuyên. Đây cũng là một trong nguyên nhân tăng nợ xấu ở VPBank và FE Credit. Đồng thời, cảnh báo sự rủi ro, niềm tin bị giảm sút đối với khách hàng, cổ đông - nhà đầu tư...

Hình ảnh “xấu xí”, “phản cảm” của FE Credit trong mắt khách hàng

Liên tục “dính” những bê bối trong đòi nợ, siết nợ, khủng bố, tin nhắn rác, cuộc gọi rác… khiến cho khách hàng khi nhắc đến FE Credit họ lại “dị ứng”, “nổi da gà”, “sờn tóc gáy”…

Tháng 6/2020, Văn phòng Chính phủ cho biết nhận được phản ánh việc ông Lê Thành Tâm (phường 14, quận Vò Gấp, TP HCM) có khoản vay tại Công ty tài chính Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), đã bị một nhóm đối tượng côn đồ tới nhà ngày 19/6.

Theo phản ánh ban đầu, các đối tượng này đã đe doạ, chửi bới, hành hung và áp tải vợ chồng ông Tâm về trụ sở công ty đòi nợ, tiếp tục uy hiếp trong nhiều giờ nhưng chính quyền địa phương và lực lượng chức năng không có mặt can thiệp. Các đối tượng này đe doạ sẽ giết ông Tâm nếu ông không trả tiền trước ngày 22/6. Sau đó, ông Tâm đã tự tử vào ngày 21/6.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Trưởng ban chỉ đạo 138/CP đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có hành vi vi phạm quy định và báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 10/7.

Theo FE Credit, khách hàng Tâm đang có hai khoản nợ quá hạn hơn 8,5 tháng và 11,5 tháng với tổng dư nợ là 51 triệu đồng tại đây nhưng khẳng định nhân viên của mình không đến nhà khách hàng này để thu hồi nợ.

Các khoản nợ xấu trên 180 ngày theo quy trình của FE Credit, sẽ được chuyển cho các "đối tác thu hồi nợ" nhưng công ty này khẳng định đối tác của họ được cấp giấy phép hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi được pháp luật cho phép.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), FE CREDIT và Công ty tài chính TNHH HD SAISON, Công ty tài chính TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam phải khẩn trương thực hiện các công việc:

Rà soát toàn bộ các quy định nội bộ của FE CREDIT về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ; các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ, bán nợ để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng của FE CREDIT, trong đó bao gồm việc xét duyệt, cấp tín dụng; theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ; thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận của FE CREDIT với các đối tác thu hồi nợ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trước đó, vào năm 2018, Cơ quan Thanh tra giám sát có văn bản phản hồi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) (Bộ Công Thương) liên quan FE Credit. Việc thanh tra đối với FE Credit đã được cơ quan này đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2018. Quá trình thanh tra FE Credit, cơ quan này sẽ xem xét các nội dung NTD phản ánh để xử lý theo quy định.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho biết cơ quan này liên tục nhận được phản ánh của NTD liên quan tới FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trong đó ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân liên quan tới giao dịch vay tiền để mua mỹ phẩm Deaura và hành vi liên hệ thu hồi nợ của FE Credit có dấu hiệu quấy rối, đe dọa NTD.

Thậm chí có những trường hợp khách hàng không hề vay tiền song vẫn bị các nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính liên tục gọi điện đòi nợ, nhắc nợ, de dọa...

"Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của FE CREDIT", Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Ngoài ra, trên mạng xã hội, báo chí liên tục xuất hiện những phản ánh với tiêu đề như: Khách hàng của FE Credit: 'Vay một lần và tởn tới già' , “Cảnh báo - các chiêu trò lừa đảo gài bẫy của FE Credit”, “FE Credit: Tự động chuyển tiền vào tài khoản để “bẫy” khách hàng với lãi “cắt cổ”?, FE Credit của VPBank bị tố gài bẫy đe dọa khách hàng, Không vay nợ cũng bị FE Credit đòi tiền…

Khách hàng “tố” máy nạp tiền tự động qua CDM của VPBank “gian lận”

Phản ánh với cơ quan báo chí, anh H.M.H. (43 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) bức xúc về việc bị mất tài sản khi nạp tiền vào máy tự động của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhưng lại không được xử lý thỏa đáng.

Theo khách hàng ngoài số tiền bị mất, điều mà anh bức xúc nhất là việc ngân hàng VPBank đã không làm đúng như lời hứa hẹn với anh và thiếu trách nhiệm khi giải quyết sự việc.

Anh H. cho biết mình là khách hàng VIP lâu năm của VPBank. Vì thường xuyên giao dịch với số tiền rất lớn nên anh thường chọn dùng dịch vụ nạp tiền tự động qua máy nạp tiền tự động (CDM) bởi tính nhanh chóng và tiện lợi.

Ngày 10/3, anh H. cầm 468 triệu đồng tiền mặt nhận được từ việc bán xe ô tô đến Ngân hàng VPBank chi nhánh trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM) để nạp vào tài khoản.

Lúc này theo thói quen, anh chọn nạp tiền tự động qua CDM. 100 triệu đồng nạp đầu tiên có hóa đơn và tin nhắn báo tiền ngay.

Đến sấp tiền 68 triệu đồng, vì phát hiện có các tờ cong và có tờ bị dán ni lông nên anh H. lấy lên kiểm tra, thay bằng một số tờ khác. Tuy nhiên chỉ trong vài giây, máy thay vì đếm đã nuốt hết tiền còn lại trên khay và đẩy thẻ ra báo lỗi.

Hoảng quá, anh H. liên hệ trực tiếp với nhân viên qua hotline thì người này hỏi số tiền bị nuốt là bao nhiêu.

"Họ nói đã ghi nhận hết và sẽ cho kiểm kê lại máy, hứa hẹn thời gian giải quyết là 2 ngày. Tôi sợ khi mình đi thì máy lại nhả ra cho người khác nên nhắc đi nhắc lại tôi đi thì trách nhiệm là ngân hàng phải giải quyết. Nhân viên hotline đồng ý".

Đến 18h ngày 12/3 vì thấy quá thời gian phía ngân hàng hứa xử lý, anh H. chủ động liên lạc qua hotline thì lại được thông báo sang tuần sau mới giải quyết.

Đến chiều ngày 15/3, tin nhắn điện thoại anh H. báo nhận được 60 triệu đồng với nội dung "hoàn trả giao dịch ....".

Quá bất ngờ vì không thể nào có chuyện mất đến đến 7-8 triệu đồng, khách hàng gọi ngay cho hotline VPBank để phản đối.

Đáp lại, phía ngân hàng nói đã kiểm kê kỹ và chỉ thấy dư 60 triệu đồng.

Vì chắc chắn mình đã bỏ vào máy bao nhiêu tiền, anh H. cho rằng đã có sự gian lận trong sự việc.

Điều đáng nói là cách đây hơn 1 năm anh H. cũng bị nuốt tiền tại chính máy CDM của VPBank. May mắn sau đó anh được trả lại đủ tiền.

Người đàn ông cho biết mất vài triệu với anh không đáng nhưng đây là sự xúc phạm. Anh thấy mất niềm tin vào ngân hàng mình vốn gửi trọn niềm tin, giao dịch xưa nay. Do đó khách hàng sẵn sàng đem sự việc ra tòa làm rõ.

Đến ngày 19/3 trong cuộc trao đổi qua điện thoại giữa 2 bên, VPBank thừa nhận lỗi nằm ở phía ngân hàng, máy móc gặp vấn đề. Dù vậy sẽ không trả thêm tiền vì chỉ kiểm kê được 60 triệu đồng.

Trước phản ánh của khách hàng, phía VPBank khẳng định toàn bộ số tiền này khi kiểm quỹ máy CDM đã ghi nhận đúng với lịch sử trên máy. VPBank đã thực hiện hoàn trả số tiền này vào tài khoản của khách hàng.

"Với trường hợp lỗi nạp tiền của khách hàng H.M.H., camera ghi nhận hình ảnh thực hiện giao dịch và máy không nhả tiền trả lại sau khi khách hàng đã rời đi. Đồng nghĩa với việc toàn bộ số tiền nạp vào đã được máy ghi nhận trên hệ thống" – phía VPBank khẳng định.

VPBank cũng cho rằng đã khuyến cáo với khách hàng trong quá trình tư vấn kết quả tra soát. Nếu khách hàng không đồng ý với kết quả thông báo thì có thể mời thêm cơ quan quản lý vào cùng làm rõ sự việc.

Bạn đang đọc bài viết "Nợ xấu tại VPBANK tăng kỷ lục và những rủi ro hiện hữu năm 2021" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP - DOANH NHÂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#