"Nối gót" Meta, Amazon chuẩn bị sa thải 10.000 nhân viên

Trước Amazon, nhiều công ty công nghệ lớn khác tại Mỹ cũng đồng loạt sa thải nhân viên. Tuần trước, Meta – công ty mẹ Facebook – thông báo chuẩn bị sa thải hơn 13% nhân sự, tương đương hơn 11.000 người...

amazon-1668483348.jpg Với Amazon, đây là đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử công ty - Ảnh: Getty Images

 

Theo nguồn tin từ New York Times, công ty thương mại điện tử khổng lồ Amazon của Mỹ dự kiến bắt đầu sa thải khoảng 10.000 nhân viên từ tuần này. Ngay sau thông tin trên, giá cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/11 giảm 2%.

Trước Amazon, nhiều công ty công nghệ lớn khác tại Mỹ cũng đồng loạt sa thải nhân viên. Tuần trước, Meta - công ty mẹ Facebook - thông báo chuẩn bị sa thải hơn 13% nhân sự, tương đương hơn 11.000 người. Công ty truyền thông xã hội Twitter cuối tháng trước thông báo sa thải gần một nửa trong số 7.500 nhân viên ngay sau khi về tay tỷ phú Elon Musk. Lyft, Stripe, Snap và nhiều công ty công nghệ khác ở Mỹ cũng tiến hành sa thải hàng loạt nhân viên trong những tháng gần đây.

Với Amazon, đây là đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử công ty và chiếm khoảng 1% tổng nhân sự trên toàn cầu. Các nhân viên bị ảnh hưởng chủ yếu thuộc các bộ phận phụ trách thiết bị, bán lẻ và nhân sự.

Trước đó, đại dịch Covid-19 đã mang tới cho Amazon kỷ nguyên sinh lời lớn nhất từ trước tới nay, khi người tiêu dùng đổ xô mua sắm trực tuyến, còn các doanh nghiệp ồ ạt tìm đến các dịch vụ điện toán đám mây của công ty. Trong hai năm qua, Amazon đã tăng gần gấp đôi lượng nhân viên, đồng thời dồn lợi nhuận cho việc mở rộng hoạt động và thử nghiệm những ý tưởng mới. Tính tới cuối năm 2019, Amazon có khoảng 798.000 nhân viên. Đến cuối năm 2021, con số này tăng lên 1,6 triệu người.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của Amazon bắt đầu giảm, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ. Công ty đối mặt với chi phí cao do các quyết định đầu tư quá mức và mở rộng hoạt động nhanh chóng, trong khi những thay đổi trong thói quen mua sắm và lạm phát cao kéo tụt doanh số.

Mùa mua sắm dịp nghỉ lễ thường là giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với Amazon cũng như các hãng bán lẻ khác. Trong giai đoạn này, công ty thường tăng tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, năm nay, ông Andy Jassy, người được bổ nhiệm vào vị trí CEO của Amazon vào tháng 7/2021, đang đẩy mạnh cắt giảm chi phí để bảo toàn tiền mặt cho công ty giữa lúc doanh thu tăng trưởng chậm và kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Trước đó, công ty do tỷ phú Jeff Bezos sáng lập cũng đã tuyên bố ngừng tuyển dụng cho các vị trí trong mảng bán lẻ. Những tháng gần dây, Amazon dừng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, ngừng sản xuất máy chiếu gọi điện video dành cho trẻ em, đóng cửa tất cả trung tâm chăm sóc khách hàng tại Mỹ (chỉ giữa lại một trung tâm), dừng sử dụng robot giao hàng lưu động, đóng các chuỗi cửa hàng truyền thống hoạt động kém hiệu quả. Công ty này cũng đang đóng cửa, hủy bỏ hoặc tạm dừng kế hoạch xây một số nhà kho mới.

Hồi tháng 10, Amazon báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 gây thất vọng, khiến giá cổ phiếu công này sụt hơn 13%. Diễn biến này đánh dấu lần đầu tiên vốn hóa của Amazon giảm xuống dưới 1 nghìn tỷ USD kể từ tháng 4/2020. Đây cũng là lần thứ hai trong năm nay kết quả kinh doanh đáng thất vọng khiến giá cổ phiếu Amazon giảm ở mức 2 con số.

Nhiều ngày sau khi báo cáo kết quả kinh doanh, cổ phiếu Amazon vẫn tiếp tục bị bán tháo và xóa sạch thành tích tăng giá trong giai đoạn cao điểm đại dịch Covid-19. Tính từ đầu năm nay, mã này đã giảm khoảng 41%, nhiều hơn đáng kể so với mức giảm 14% của chỉ số S&P 500, và đang trên đà có năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.