Nỗi lo rau bẩn “đội lốt rau sạch” vào siêu thị

18/11/2022 08:57

Vụ việc Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (hay còn gọi Trình Nhi Foods, TNFoods) thu gom rau rồi "phù phép" thành các thương hiệu nổi tiếng cung cấp cho siêu thị, khách hàng phải mua lại với giá của "rau sạch chất lượng cao" khiến dư luận vô cùng bức xúc và yêu cầu cơ quan chức năng phải xử phạt thật nghiêm đơn vị này. Nhiều người tiêu dùng vẫn thường xuyên mua thực phẩm tại các siêu thị lại gánh thêm nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo.

“Rau sạch đội lốt” không phải lần đầu

Theo thông tin được các cơ quan báo chí đăng tải, phóng viên đã ghi chép lại được  con đường đưa rau bẩn vào siêu thị của Công ty TNHH nông sản Trình Nhi, bắt đầu từ những người đi xe máy mang đến giao các loại rau ăn lá (cải, dền, muống...), trái - củ (khổ qua, bầu, bí, cà rốt...) để cho công nhân nhận và tiếp tục sơ chế, đóng gói vào bịch nhỏ, khay hoặc túi lưới, sau đó được nhóm công nhân vội vã hoàn tất việc sơ chế, đóng gói, rồi phân công nhau dán tem nhãn để kịp giao cho các shipper (tài xế giao hàng).

logo-rau-ban-tai-sieu-thi-winmart-1663551204826276333583-16636480159941928680212-1668727570.jpg
 

Rau nông sản được "phù phép" in logo nhà sản xuất uy tín bán trong siêu thị - Ảnh: BÔNG MAI

 

Mặc dù, rau được các xe ôm đưa đến, nhưng sao khi đóng gói tem nhãn được dán lên các bịch/khay/túi lại ghi dòng chữ "Rau củ quả Đà Lạt", kèm thông tin Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, KCN Phú Hội, H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Đặc biệt, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ NN&PTNT ban hành).

Vụ việc “rau bẩn đội lốt rau sạch” của Công ty TNHH nông sản Trình Nhi không phải là trường hợp cá biệt, đầu tiên mà trước đó cũng đã có nhiều đơn vị làm ăn theo kiểu “chộp giật” thế này.

Năm 2010 Đoàn Thanh tra liên ngành đề xuất với UBND TP. Biên Hòa xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Đức-Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn Trảng Dài (TP. Biên Hòa) vì đã biến rau bẩn thành rau sạch rồi đưa vào siêu thị tiêu thụ.

Theo kết quả xác minh của các cơ quan chức năng TP. Biên Hòa, từ tháng 8.2009 đến 8.2010, ông Đức đã mua rau trôi nổi tại chợ Sặt (phường Tân Biên), bán vào siêu thị dưới danh nghĩa là rau của HTX và ghi là rau an toàn. Mặc dù là hộ gia đình cung cấp rau cho siêu thị, nhưng ông Đức vẫn sử dụng phiếu kiểm nghiệm chất lượng của HTX.

Trước đó báo chí đã đăng tải thông tin HTX RAT Đạo Đức (Vân Nội, Đông Anh) của vợ chồng Liên – Hòa chuyên cung cấp rau cho siêu thị, bếp ăn khu công nghiệp. Theo nhân viên văn phòng HTX, hằng ngày bà Liên ra ruộng của nông dân thu mua rau, sau đó đặt hàng những người bán rau này để mang về nhà bà. Chỉ sau một vài công đoạn rửa và đóng gói vào các bao bì được in sẵn, các loại rau củ quả này được bà Liên mang đến giao cho các siêu thị lớn ở Hà Nội.

Nắm bắt được nhu cầu càng cao của người tiêu dùng trong xã hội phát triển ngày nay, đặc biệt là nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe, nên các đối tượng đã “lóa mắt” trước lợi nhuận, không từ thủ đoạn nào, thậm chí coi thường tính mạng và sức khỏe của cộng đồng, đưa thực phẩm không đảm bảo an toàn vào các siêu thị. Điều đáng nói ở đây là các siêu thị dường như quá tin tưởng vào nhà cung cấp, không có biện pháp thường xuyên kiểm tra, hoặc kiểm tra qua loa chiếu lệ, thậm chí không laoij trừ việc nhân viên siêu thị đã “móc ngoặc” với đơn vị cung cấp này để đưa vào siêu thị bán kiếm lời chia nhau.

Người tiêu dùng bức xúc trước việc “rau sạch đội lốt"

Trước việc kinh doanh theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó" của Công ty TNHH nông sản Trình Nhi, nhiều bạn đọc đã tỏ thái độ bức xúc trước việc làm không đúng với lương tâm này.

 

Khách hàng mua rau tại một siêu thị. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

 

Bạn đọc Võ Huỳnh Duy Đông viết: "Nếu báo không đăng bài thì người tiêu dùng vẫn nghĩ mua ở siêu thị cho chắc. Quản lý kiểu này thật sự không biết người dân ăn uống ra làm sao. Ông bà mình có câu "bệnh từ miệng mà vào" và đây là lý do tỉ lệ ung thư ở Việt Nam luôn đứng top".

Bạn Chương Trần bổ sung: "Người tiêu dùng chấp nhận mua rau giá cao hơn nhiều vì nghĩ sẽ an toàn hơn ở chợ, mà giờ cũng như nhau. Thật mất niềm tin quá. Mong cơ quan chức năng sẽ xử mạnh tay vụ này".

Chứng kiến kiểu làm ăn gian lận, nhưng không có nhiều sự lựa chọn, bạn đọc Nguyen Hoang Lan viết: "Mấy năm qua gần nhà tôi có vài xưởng chuyên thu gom rau để cắt tỉa đóng gói dán thương hiệu kiểu này và nhập vào các siêu thị, tôi biết vậy nhưng vẫn phải mua hàng trong siêu thị vì không có chọn lựa. Đi chợ thì không đi được vì không rảnh ban ngày, đi mua của chợ tạm hàng rong thì tôi không muốn vì họ chiếm hết lòng lề đường".

Và theo bạn đọc này thì: "Đi mua đồ trong siêu thị mà vẫn cứ cầu mong và trông chờ vào lương tâm và sự tận tụy của đội ngũ mua hàng cũng như duyệt hàng cho vào siêu thị thôi. Bởi câu chuyện rau trôi nổi vào siêu thị qua một công ty đóng gói nào đó thì không mới".

Nhiều bạn đọc đặt vấn đề là: Còn bao nhiêu nhà cung cấp đã và đang tự dán nhãn sản phẩm uy tín bán vào siêu thị? Còn bao nhiêu đơn vị/hệ thống siêu thị/chuỗi bán lẻ đã và đang là nạn nhân của các nhà cung cấp nông sản ấy và đồng thời cũng là kênh trung gian chuyển hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng? Làm sao để rau từ chợ đến siêu thị đều đảm bảo không có tàn dư thuốc bảo vệ thực vật?...

Bạn đọc Linh An hỏi thẳng: "Cơ quan chức năng ở đâu? Có trách nhiệm thế nào khi để thị trường lộn xộn như thế này diễn ra từng ngày, từng giờ, để người tiêu dùng bị lừa dối, gian thương mặc sức hưởng lợi? Nhà báo họ chỉ có thể tìm ra sự việc thôi, còn cơ bản cơ quan chức năng phải thường xuyên giám sát, kiểm tra chứ!".

Có bạn đọc còn nêu ý kiến "Giải quyết vi phạm của nhà cung cấp là việc của siêu thị. Còn với người tiêu dùng, theo tôi trách nhiệm bồi thường thuộc siêu thị. Tuy nhiên, đến giờ tôi không thấy nói đến việc bồi thường này".

"Cần phải có chế tài hay phạt thật nặng siêu thị để làm gương vì người tiêu dùng chỉ biết và tin tưởng siêu thị thôi. Siêu thị bán kiếm lời từ khách hàng thì phải có trách nhiệm với khâu đầu vào của mình như cam kết" - bạn đọc Khương Võ bổ sung.

Quản lý thị trường đã vào cuộc

Trước sự việc Công ty TNHH nông sản Trình Nhi “đội lốt rau sạch” cung cấp cho các siêu thị, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc.

Theo đó vào tối 21/9, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi các Đội quản lý thị trường trực thuộc yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đây là biện pháp mà Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ngay sau thông tin mà báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua "rau an toàn" và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.

 

Hãy làm những "Người tiêu dùng thông thái"  

 

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các Đội quản lý thị trường khẩn trương thực hiện rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Đội quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác theo đúng quy định.

Để không còn tình trạng “đội lốt rau sạch” xảy ra tại các siêu thị, nhiều nhà quản lý có ý kiến cho rằng  công tác kiểm tra còn để lọt hoặc “phù phép”. Đề xuất các cơ quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó lấy lại công bằng cho những doanh nghiệp sản xuất bài bản, theo tiêu chuẩn.

Còn theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, người tiêu dùng cần phát huy quyền được biết xuất xứ thực phẩm mình sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng hiện nay lại có thói quen dễ dãi, cứ tiện là ghé mua, giá cả rẻ là được, mà không quan tâm xuất xứ. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó buộc người sản xuất cũng phải thay đổi theo.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, cần phải xác định mọi sản phẩm thực phẩm khi đưa vào trường học hay các khu công nghiệp… đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Đó là điều kiện tiên quyết để phục vụ nhu cầu cho thị trường nội địa.

Để không còn tình trạng “thực phẩm đội lốt an toàn” người viết bài này mong muốn các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phải là người đầu tiên lựa chọn cho mình nhà cung cấp đảm bảo có uy tín, thường xuyên kiểm tra giám sát việc cung cấp nguồn hàng cho doanh nghiệp của mình phải đúng với cam kết. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thu giữ ngay những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với người tiêu dùng thì hãy luôn là “người tiêu dùng thông thái”.

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi lo rau bẩn “đội lốt rau sạch” vào siêu thị" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#