Nữ "giám đốc ngân hàng" chiếm đoạt 15 tỷ đồng, OCB nói gì?

24/05/2021 14:42

OCB cho biết, bà Khánh không còn là nhân viên của ngân hàng kể từ tháng 10/2019. Người tố cáo trong vụ việc là các mối quan hệ cá nhân của bà này, không liên quan đến ngân hàng và khách hàng của OCB.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa phản hồi vụ việc Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng bắt tạm giam “nữ giám đốc ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng”. Trong đó có nhắc đến bà Lê Thị Kim Khánh đã lợi dụng chức danh giám đốc quan hệ khách hàng của OCB, Phòng giao dịch quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) để đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

OCB cho biết, bà Lê Thị Kim Khánh làm việc tại OCB từ tháng 3/2019 đến tháng 10/2019 với chức danh giám đốc quan hệ khách hàng độc lập tại OCB Liên Chiểu (Đà Nẵng), không phải là giám đốc chi nhánh, giám đốc phòng giao dịch của OCB.

Cơ quan CSĐT tống đạt quyết định bắt tạm giam bà Lê Thị Kim Khánh - Nguồn: CA

Cơ quan CSĐT tống đạt quyết định bắt tạm giam bà Lê Thị Kim Khánh - Nguồn: CA

Đầu tháng 10/2019, bà Khánh đã nộp đơn xin nghỉ việc và OCB đã có quyết định cho thôi việc từ ngày 7/10/2019. Kể từ đó đến nay, bà Khánh không còn là nhân viên của OCB và không có bất cứ liên hệ nào với OCB.

Trong quá trình công tác tại OCB, bà này không có bất kỳ tố cáo, khiếu nại nào đến từ khách hàng giao dịch với ngân hàng.

"Đến thời điểm hiện tại, OCB không tiếp nhận thông tin khiếu nại từ khách hàng hay phát hiện khách hàng nào của ngân hàng bị lừa đảo trong vụ việc của bà Lê Thị Kim Khánh. Người tố cáo trong vụ việc là các mối quan hệ cá nhân của bà Khánh, không liên quan đến ngân hàng và khách hàng của ngân hàng", OCB khẳng định.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Thị Kim Khánh (39 tuổi, trú phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo điều tra, từ tháng 9/2019 đến tháng 10/2019, với danh nghĩa là giám đốc quan hệ khách hàng của OCB (chi nhánh quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), bà Khánh đã huy động vốn của nhiều người để đầu tư làm ăn.

Quá trình thực hiện, bà Khánh viết giấy mượn tiền, cam kết từ 7 đến 15 ngày sẽ hoàn trả. Đồng thời, bà này thỏa thuận miệng sẽ trả lãi suất từ 0,3% đến 0,55%/ngày, trả lãi theo chu kỳ 10 ngày/1 lần.

Tại cơ quan công an, bà Khánh khai số tiền chiếm đoạt được đã chuyển cho một người ở nước ngoài để đầu tư bất động sản tại Hong Kong. Mỗi tháng, người này sẽ chuyển tiền lãi để Khánh trả cho các bị hại. Tuy nhiên, từ ngày 6/10/2019, “đối tác” ở nước ngoài của bà Khánh ngưng chuyển tiền, khiến bà mất khả năng chi trả lãi…

Với thủ đoạn trên, bước đầu cơ quan điều tra xác định bà Khánh đã chiếm đoạt số tiền gần 15 tỷ đồng của nhiều người.

Nhà chức trách đã thu thập nhiều chứng cứ, tài liệu cho thấy bà Khánh đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối để huy động tiền của nhiều người. Đồng thời, bà cũng không chứng minh được việc đầu tư kinh doanh của mình. Công an TP. Đà Nẵng cho biết những bị hại trong vụ án trên cần liên hệ ngay với cơ quan công an để cung cấp thông tin, củng cố vụ án.

Bạn đang đọc bài viết "Nữ "giám đốc ngân hàng" chiếm đoạt 15 tỷ đồng, OCB nói gì?" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#