Ocean Group rao bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu với giá khởi điểm chỉ bằng 1/10

Ocean Group rao bán 7 khoản nợ với tổng số dư nợ gốc hơn 1.072 tỷ đồng, giá khởi điểm của 7 khoản nợ bằng 1/10 giá trị dư nợ gốc, tương ứng hơn 107 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, MCK: OGC) vừa công bố thông tin về việc bán khoản nợ xấu phải thu của công ty với các đối tác. Theo đó, Ocean Group rao bán 7 khoản nợ xấu với tổng số dư nợ gốc hơn 1.072 tỷ đồng.

Giá khởi điểm của cả 7 khoản nợ chỉ bằng 1/10 giá trị dư nợ gốc, tương ứng tổng giá trị khởi điểm hơn 107 tỷ đồng. Tiền đặt cọc tham gia chào giá, đấu giá là 3 tỷ đồng, không có quy định về bước giá.

ocean-group-thong-bao-se-ban-7-khoan-no-voi-tong-so-du-no-goc-hon-1072-ty-dong-1653971481.jpg

Ocean Group thông báo sẽ bán 7 khoản nợ với tổng số dư nợ gốc hơn 1.072 tỷ đồng

Theo đó, thời gian niêm yết, thông báo nợ là ngày 28/5, thời gian tổ chức mở đấu giá, thực hiện đấu giá sẽ diễn ra vào 9h ngày 4/6. Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia từ ngày 28/5 đến 17h ngày 3/6. Thời gian xem hồ sơ nợ xấu từ ngày 28/5 đến ngày 3/6.

Địa điểm bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia, đăng ký xem hồ sơ khoản nợ, tổ chức cuộc mở chào giá, thực hiện đấu giá sẽ ở văn phòng đại diện OGC, tại địa chỉ tầng 3, tòa nhà Grandeure, 123b Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Thông báo của OGC cũng nêu rõ, khách hàng tham gia đấu giá có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ khoản nợ, thực trạng pháp lý. Khách hàng không có ý kiến gì thì coi như chấp nhận mua khoản nợ trên cơ sở giấy tờ OGC cung cấp. Công ty chỉ có trách nhiệm bàn giao hồ sơ khoản nợ xấu cho người mua nợ được lựa chọn.

Các động thái trên của doanh nghiệp được đưa ra sau công cuộc “thay máu” ban lãnh đạo tại đại hội thường niên 2022 của Ocean Group. Theo đó, bà Lê Thị Việt Nga - đại diện của IDS Equity Holdings - được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ocean Group, còn bà Phạm Thị Hồng Nhung được bầu làm Tổng Giám đốc.

Đồng thời, trên thị trường, kể từ ngày 31/5, cổ phiếu OGC sẽ bị HOSE chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát do doanh nghiệp có hành vi chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

OGC ghi nhận lỗ lũy kế đến 2.523 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Nguyên nhân chính dẫn tới điều này là việc doanh nghiệp phải liên tục trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi của trong một số năm sau biến cố.

Theo Báo cáo tài chính quý I/2022, OGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 102,4 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sụt giảm xuống còn gần 16,5 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế hơn 38,2 tỷ đồng, tăng tới 12 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường, cổ phiếu OCG đang giao dịch quanh vùng giá 13.400 đồng/cổ phiếu trong phiên chiều ngày 30/5.