'Ôm' lượng trái phiếu lớn, ngân hàng trước nỗi lo ập đến

Với vai trò là người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang 'ôm' khối lượng lớn trái phiếu DN, trong đó chủ yếu là của DN bất động sản. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành quy định mới để siết chặt.

Lo rủi ro tăng siết chặt

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu DN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. Các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu của DN không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất. DN phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn, khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu; vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu.

Thông tư mới cũng quy định 3 trường hợp các ngân không được mua trái phiếu DN. Đó là trái phiếu phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của chính đơn vị phát hành; để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác và để tăng quy mô vốn hoạt động. Quy định mới có hiệu lực từ 15/1/2022.

Ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán vẫn tích cực nhất mua trái phiếu DN.

Theo Báo cáo “Thị trường trái phiếu DN”, do Công ty CP Chứng khoán SSI vừa công bố, tính đến hết tháng 9, tổng lượng trái phiếu DN phát hành đạt hơn 443 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các cá nhân trong và ngoài nước mua gần 22 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, chiếm khoảng 5% tổng lượng phát hành.

Ngược lại, có tới gần 60% lượng trái phiếu DN phát hành là do các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã mua vào 124,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,3%; các công ty chứng khoán mua 148,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,6%.

Thống kê này cũng khá sát với số liệu của Công ty Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, trong 9 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư tổ chức, chủ yếu là ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán vẫn tích cực nhất với việc mua đến gần 56% tổng giá trị trái phiếu DN phát hành.

Như vậy, với vai trò là người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang “ôm” khối trái phiếu DN lớn, trong đó chiểm tỷ lệ cao là của các DN bất động sản.

Một số ý kiến cho rằng, đó là do quy định chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ và những đơn vị bảo lãnh phát hành khi không bán hết sẽ phải mua toàn bộ số trái phiếu còn lại. Tuy nhiên, không chỉ có vậy.

Theo Báo cáo của SSI, trái phiếu DN chủ yếu vẫn được phát hành riêng lẻ trong nước. Hầu hết trái phiếu DN phát hành đều không có tài sản đảm bảo. Chỉ có 36,2% trái phiếu DN phát hành trong 9 tháng đầu năm 2021 được đảm bảo bằng tài sản, bất động sản và cổ phiếu. Trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, cổ phần của chính DN phát hành.

SSI cũng lưu ý rằng, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu, bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa. Nếu DN bị mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Tỷ trọng các DN phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo tương đối cao, trong đó có nhiều DN không niêm yết, nên khả năng tiếp cận thông tin tài chính của các DN này bị hạn chế. Do vậy, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu thông tin, nhất là khi chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm DN. Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư, trong trường hợp dòng tiền của các DN bất động sản không được đảm bảo; nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn sẽ không thể trả được nợ gốc và lãi, SSI cảnh báo.

Khó xử lý

Câu hỏi đặt ra là các ngân hàng thương mại có nhận biết rủi ro này hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, với nghiệp vụ thẩm định hồ sơ tín dụng của các ngân hàng, dĩ nhiên họ nhận biết rủi ro của các loại trái phiếu DN phát hành, đặc biệt với khối bất động sản.

Ngân hàng đầu tư vào trái phiếu DN thực ra là lách quy định để cho vay.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, câu chuyện ẩn dấu bên trong chính là cơ cấu lại nợ và “bơm vốn”. Với thị trường bất động sản, hiện có thanh khoản thấp, chắc chắn không ít DN có khoản nợ ngân hàng đến kỳ phải trả, nhưng không biết lấy đâu tiền trả nợ. Để lâu sẽ thành nợ quá hạn và nợ xấu, như vậy sẽ anh hưởng đến huy động vốn. Giải quyết vấn đề này, chỉ có cách phát hành trái phiếu DN. Đây là “lối thoát” tốt nhất vì sẽ có tiền để trả nợ đúng hạn.

Còn với ngân hàng, khi mua trái phiếu sẽ “giúp” DN có tiền trả nợ vay đến hạn, qua đó “làm đẹp” bảng cân đối tài chính và không bị nợ xấu tăng cao. Các ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu DN bất động sản còn tránh được “lệnh” siết cho vay vốn với lĩnh vực này. Cùng với đó là “bơm vốn” cho các DN mà không phải trích lập dự phòng rủi ro. Thực ra đây là cách lách để cho vay mà thôi. NHNN hoàn toàn có lý do để lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra.

Trên thực tế, từ 2019 đến nay, có không ít đợt phát hành trái phiếu DN, các nhà băng lại xuất hiện và ôm trọn lô. Trong đó, có rất nhiều trái phiếu của các DN bất động sản. Một số ngân hàng thương mại không mua trực tiếp nhưng lại thông qua các công ty chứng khoán thành viên để mua.

Giữa năm 2019, Ngân hàng Nhà nước ra công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu DN, nhất là trái phiếu của các DN bất động sản. Khi đó, NHNN nhận thấy một số ngân hàng thương mại tiếp tục đầu tư trái phiếu DN với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành. Cơ quan này cho hay sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhưng không xử lý được.

Đến nay, NHNN tiếp tục ban hành quy định để quản lý hoạt động đầu tư trái phiếu DN của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, để xử lý được vấn đề này không hề đơn giản. Bởi đằng sau câu chuyện mua trái phiếu DN còn nhiều phức tạp, có thể liên quan đến các DN sân sau hay sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, vốn vẫn được nhắc đến.