'Ông trùm' chuỗi nhà hàng Golden Gate lỗ nặng

Suy giảm doanh thu, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh, 'ông trùm' chuỗi nhà hàng Golden Gate lần đầu báo lỗ kể từ năm 2008.

2021 là năm đầu tiên ‘ông trùm’ nhà hàng Golden Gate báo lỗ kể từ năm 2008

2021 là năm đầu tiên ‘ông trùm’ nhà hàng Golden Gate báo lỗ kể từ năm 2008

CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2021, với doanh thu thuần đạt 3.317,8 tỉ đồng, giảm 27,2% so với năm trước. Trừ đi giá vốn hàng bán, công ty này báo lãi gộp 1.925,7 tỉ đồng, giảm 29% so với năm 2020.

Việc nhiều chuỗi cửa hàng buộc phải đóng cửa do các biện pháp giãn cách phòng dịch Covid-19 khiến các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Golden Gate giảm lần lượt 11,5% và 7,6% xuống mức 2.049,7 tỉ đồng và 286,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chi phí tài chính của Golden Gate lại tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên mức 44 tỉ đồng. Kết năm 2021, Golden Gate báo lỗ sau thuế lên tới 430,6 tỉ đồng, trong khi năm trước có lãi gần 65 tỉ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên ‘ông trùm’ nhà hàng báo lỗ kể từ năm 2008.

Tại thời điểm 31/12/2021, quy mô tổng tài sản của Golden Gate đạt 2.387,1 tỉ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho (647,8 tỉ đồng) và tài sản dài hạn khác (647,1 tỉ đồng) – phần lớn là chi phí trả trước dành cho việc sửa chữa, cải tạo nhà hàng.

Lượng tiền và tương đương tiền của Golden Gate tăng gần gấp đôi lên mức 347,7 tỉ đồng. Tiền gửi tại các ngân hàng có kỳ hạn từ 9 đến 12 tháng giảm mạnh từ 207,1 tỉ đồng xuống còn 26,9 tỉ đồng.

'Ông trùm' chuỗi nhà hàng Golden Gate lỗ nặng ảnh 1

Các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của Golden Gate

Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Golden Gate đạt 1.075,7 tỉ đồng, chiếm 45% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngân hàng là 587,1 tỉ đồng; vay trái phiếu là 488,6 tỉ đồng (kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 11,5%/năm).

Đáng chú ý, phần lớn nợ vay của Golden Gate được đảm bảo bằng chính cổ phần của công ty này, tổng cộng lên tới 1,72 triệu đơn vị, tương đương 22,5% vốn điều lệ.

Ở một thương vụ ít biết, như VietTimes từng đề cập, hồi tháng 9/2021, HĐQT Golden Gate đã phê duyệt phương án sử dụng 115.000 cổ phần mà CTCP Golden Gate Partners nắm giữ làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 70 tỉ đồng từ CTCP Dịch vụ và Đầu tư Trustlink (Trustlink) để thanh toán khoản nợ đến hạn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Khoản vay với Trustlink không chỉ giúp Golden Gate giải quyết ‘cơn khát’ vốn ngắn hạn, mà còn giúp ‘ông trùm’ chuỗi cửa hàng ăn uống hàng đầu Việt Nam đảo nợ thành công và duy trì mối quan hệ tín dụng với VietinBank./.