Petrolimex âm dòng tiền

28/04/2022 19:17

Doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của Petrolimex tăng trưởng so với năm trước nhưng dòng tiền âm cả ở báo cáo tài chính công ty mẹ lẫn hợp nhất.

Tại báo cáo tài chính riêng công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) năm 2021, Petrolimex ghi nhận dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh âm tới hơn 3.050 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 2.703 tỷ đồng.

Tuy lợi nhuận tăng trưởng nhưng năm 2021 Petrolimex ghi nhận dòng tiền âm khá mạnh cả ở báo cáo công ty mẹ và hợp nhất.

Trên báo cáo hợp nhất, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 của ông lớn ngành xăng dầu cũng bị âm hơn 656 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do biến động tăng cả về giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu.

Theo các chuyên gia, quản trị dòng tiền là tiêu chí quan trọng để điều hành doanh nghiệp. Trường hợp dòng tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể rơi vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau. Doanh nghiệp sẽ phải trang trải chi phí bằng dòng tiền đầu tư hoặc dòng tiền hoạt động tài chính, như vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, thanh lý tài sản.

Theo báo cáo hợp nhất, tài sản nổi bật trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của Petrolimex là các khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 7.599 tỷ đồng, nhiều hơn tiền và tương đương tiền. Trong khoản mục này, có hơn 1.069 tỷ đồng phải thu của Công ty TNHH Vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, hơn 908 tỷ đồng phải thu của Vietjet và hơn 5.344 tỷ đồng phải thu của các khách hàng khác.

Với riêng công ty mẹ tại thời điểm 31/12/2021 có hơn 268 tỷ đồng nợ quá hạn từ 6 – 12 tháng, giá trị thu hồi chỉ 209,8 tỷ đồng và hơn 311 tỷ đồng nợ quá hạn dưới 24 tháng giá trị có thể thu hồi chỉ 184 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào.

Tồn kho tại thời điểm lập báo cáo của Petrolimex là hơn 13.163 tỷ đồng, tăng 40%, chủ yếu là xăng dầu, hơn 9.475 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 223 tỷ đồng, gấp 10,1 lần so cùng kỳ 2020.

Vẫn theo báo cáo, Petrolimex hiện gánh khoản nợ hơn 36.531 tỷ đồng, tương đương hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 35.207 tỷ đồng, riêng nợ vay ngắn hạn hơn 14.225 tỷ đồng, vay dài hạn hơn 1.144 tỷ đồng. Nợ vay lớn khiến doanh nghiệp phải chi hơn 602 tỷ đồng lãi vay trong năm 2021.

Đa số khoản vay ngắn hạn của Petrolimex là vay ngân hàng bằng tiền Việt Nam, kỳ hạn từ 3 – 12 tháng. Những khoản vay này được đảm bảo dưới hình thức tín chấp nhằm bổ sung vốn lưu động và mở các tín dụng thư (L/C) nhập khẩu xăng dầu. Lãi suất quy định theo từng ngân hàng và từng khoản vay.

Trong khi đó, vay dài hạn chủ yếu bao gồm các khoản vay ngân hàng có kỳ hạn từ 12 – 120 tháng của các công ty con. Mục đích vay dài hạn để tài trợ cho các dự án đầu tư, xây dựng kho xăng dầu, mua tàu chở dầu và các dự án khác.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo hợp nhất, năm 2021 Petrolimex đạt doanh thu thuần hơn 169.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 37% so với cùng kỳ. Tính bình quân, mỗi ngày Petrolimex thu hơn 463 tỷ đồng từ bán hàng và dịch vụ. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 3.123 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2020. Riêng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 1.637 tỷ đồng, tăng mạnh so cùng kỳ.

Trên thị trường, cổ phiếu PLX của Petrolimex đang giao dịch mức 48.300 đồng/cổ phiếu, giảm 10,39% so hồi đầu năm (từ 1/1 – 27/4), khiến mỗi cổ phiếu “bay” 5.600 đồng. Với hơn 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường doanh nghiệp bị cuốn trôi hơn 6.800 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Petrolimex âm dòng tiền" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP - DOANH NHÂN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#