PGBank sống dựa vào tiền gửi ở ngân hàng khác

Kết thúc năm 2020, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) báo lãi trước thuế 212 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận 136% so với năm 2019 và vượt kế hoạch 11,5%. Tuy nhiên, tăng trưởng này không đến từ hoạt động kinh doanh, mà nhờ khoản cắt giảm trích lập dự phòng của ngân hàng.

Tín dụng không phải thế mạnh

Thực tế, tình hình kinh doanh của PGBank trong năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức thấp trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tín dụng tuy là hoạt động mang lại thu nhập chính, nhưng hầu như không có sự biến đổi đáng kể so với các năm trước. Thu nhập lãi thuần chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 6% (tương tương tăng 113 tỷ đồng) so với năm 2019.

Trong khi đó, các hoạt động phi tín dụng có xu hướng giảm. Cụ thể, hoạt động dịch vụ của ngân hàng giảm 8,5% so với năm ngoái, đạt 30 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối đạt 31,5 tỷ đồng, giảm 38%. Góp vốn mua cổ phần, đầu tư cũng sụt giảm khi chỉ thu về số tiền cổ tức là 1,4 tỷ đồng, trong khi năm 2019 thu về 14 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của PGBank năm 2020 đến từ chứng khoán đầu tư. Những khoản đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào trái phiếu đã mang về cho PGBank khoản lãi 21,3 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần mức lãi trong năm 2019.

Tuy nhiên, khoản lãi trên không đủ lớn để cân bằng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh so với năm 2019.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng không khả quan. Các hoạt động khác lại sụt giảm khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PGBank giảm sâu 22,3% so với năm trước, chỉ đạt 494 tỷ đồng.

PGBank đã cắt giảm 48% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với năm trước còn 282 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế không giảm sâu, ghi nhận mức lãi 212 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi mức lãi trước thuế 90 tỷ đồng của năm trước.

Mặc dù hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra, nhưng hiệu quả hoạt động tín dụng của PGBank vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng phải phụ thuộc vào mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Tính đến ngày 31/12/2020, PGBank cho vay khách hàng được 25.675 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 8,4%, khá thấp so với mức tăng trưởng tín dụng 12,31% của toàn ngành ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ là 2,44%. Nhấn mạnh rằng, trong năm 2020, nhiều khoản nợ xấu đã được hạn chế do ngân hàng thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên chưa thể phản ánh chính xác thực trạng nợ xấu của ngân hàng.

Đến nay PGBank vẫn còn 574,5 tỷ đồng tại Công ty Quản lý tài sản VAMC, mặc dù đã quá kỳ hạn. Như vậy, theo quy định, PGBank sẽ không chia cổ tức năm 2020 do chưa tất toán sạch nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản VAMC.

Điểm trung chuyển tiền?

Trong năm 2020, tài sản của PG Bank đạt 36.153 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm trước. Khoảng tăng này phần lớn do sự đóng góp của khoản tiền, vàng gửi tại các ngân hàng khác. Tại thời điểm cuối năm 2020, PG Bank có 5.850 tỷ đồng gửi tại một số ngân hàng khác. Như vậy, trong năm qua, PGBank có thêm 3.988 tỷ đồng gửi ngân hàng bạn để có thu nhập lãi (bao gồm 5.500 tỷ đồng gửi có kỳ hạn).

Là một trong ngân hàng có quy mô nhỏ nhất hệ thống, hoạt động kinh doanh “èo uột”, vậy PGBank huy động ở đâu gần 4.000 tỷ đồng để gửi tại ngân hàng khác? Câu trả lời nằm trong khoản tiền gửi của khách hàng tại PGBank. Đây chính là biến động đáng chú ý nhất trong dòng tiền của PGBank thời gian gần đây.

Cụ thể, trong năm 2020, PGBank huy động được 28.738 tỷ đồng từ khách hàng, tăng 3.350 tỷ đồng. Trong đó, số tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp khá cao, đạt 9.217 tỷ đồng. Nếu so với một số các ngân hàng cùng quy mô, con số hơn 9 nghìn tỷ đồng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp có thể được coi là “khủng”. Đơn cử, SGB chỉ huy động được 2.580 tỷ đồng từ khách hàng doanh nghiệp, KienlongBank huy động được 2.105 tỷ đồng...

Biến động tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp ở PGBank bắt đầu từ quý 3/2020. Trong khi, 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tiền gửi của khách hàng ở PGBank còn sụt giảm hơn 1.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tiền gửi của doanh nghiệp lúc này ghi nhận con số 3.769 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong vòng 3 tháng, PGBank đã huy động thêm được 4,472 tỷ đồng từ doanh nghiệp nào đó, trong khi tiền gửi của khách hàng cá nhân lại giảm tới 1.611 tỷ đồng. Phân khúc khách hàng doanh nghiệp đã được PGBank tiếp tục “chăm sóc” tốt hơn. Bằng chứng là số tiền gửi của doanh nghiệp vẫn ổn định và tăng không ngừng cho đến quý 3/2020, lên tới hơn 9 nghìn tỷ đồng, bỏ xa các ngân hàng có cùng quy mô khác (nhưng tiền gửi của khách hàng cá nhân lại thấp hơn hẳn).

Không rõ là những doanh nghiệp nào đã “gửi niềm tin” vào PGBank khi gửi số tiền lớn như vậy? Đặc biệt, trong bối cảnh 3 quý đầu năm, đa phần các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn có dư dả tiền gửi vào PGBank.

Số tiền doanh nghiệp gửi gắm tại PGBank càng lớn tương ứng với số lãi phải trả càng tăng theo. Thay vì tập trung tăng trưởng tín dụng, tăng cường cho vay để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, PGBank lại chuyển số tiền huy động được để gửi vào ngân hàng khác. Như vậy, số lãi mà PGBank thu được từ tiền gửi tại các ngân hàng khác chỉ đủ để bù vào chi phí lãi phải trả cho doanh nghiệp trên. Khả năng sinh lợi nhuận từ hoạt động “trung chuyển” tiền này gần như không có, vì lãi sang ngang.

Trước thông tin được thâu tóm của PGBank bởi một ngân hàng lớn hơn gần đây, việc duy trì mức huy động vốn tốt, cộng với tiền gửi cao tại ngân hàng khác sẽ là điểm cộng cho PGBank trong mắt các cổ đông.