Mục đích của cuộc thi ảnh khu vực Asean nhằm nâng cao nhận thức về một số thực tiễn và sáng tạo trong việc giảm sử dụng nhựa dùng một lần và giảm rác thải nhựa đại dương. Cuộc thi ảnh được kỳ vọng sẽ đưa ra những bài học về việc giải quyết thách thức rác thải nhựa đại dương trong khu vực Châu Á và mở rộng quy mô cho các hành động bền vững hơn nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở khu vực Asean.
Bên cạnh đó, Cuộc thi cũng nơi ghi nhận, cổ vũ, động viên các tổ chức, cá nhân khu vực Asean trong những năm qua đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền về giảm ô nhiễm nhựa đại dương; góp phần nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân trong nước và trên thế giới nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi ni-lông khó phân hủy.
Theo đó, cuộc thi ảnh được tổ chức từ ngày 20/7 đến hết ngày 30/9. Cuộc thi dành cho tất cả công dân hiện đang sinh sống trong khu vực Asean. Theo đó, ảnh dự thi là ảnh màu hoặc đen trắng; khổ 30x45cm (file cứng). Ảnh dự thi dưới dạng kỹ thuật số, file ảnh có định dạng jpg. Kích thước của chiều dài nhất tối thiểu 3.500 pixel, độ phân giải 300 dpi, có kích thước tập tối đa là 10 MB. Mỗi tác phẩm dự thi phải có tên tác phẩm, tác giả, địa chỉ, địa danh chụp hình bằng tiếng anh hoặc tiếng việt. Mỗi tác giả có quyền gửi tối đa 5 tác phẩm tham dự Cuộc thi (cả ảnh đơn và ảnh bộ). Chỉ được lấy 1 tên theo căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Rác thải nhựa đang là thách thức toàn cầu và gây ô nhiễm đại dương, bờ biển, sông ngòi và các tuyến đường thủy nội địa khác, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của các cộng đồng ven biển. Chỉ riêng 6 trong 10 nước Asean, thải ra 31 triệu tấn rác nhựa trên biển mỗi năm. Vì vậy, đây là một thách thức rất lớn trong khu vực. Nhiều quốc gia đang có những nỗ lực rất quan trọng để giải quyết mối lo ngại này. Theo kết quả khảo sát Nhận thức về Chất thải nhựa được thực hiện vào năm 2020 với 2.000 người tiêu dùng và 400 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam của UNEP và Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm châu Á (FIA) đã chỉ ra rằng 91% người tiêu dùng bày tỏ lo ngại cực độ về vấn đề này.