Phố Wall kết thúc tuần trong sắc xanh; Dầu đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào thứ Sáu (13/1) khi các nhà đầu tư xem xét báo cáo thu nhập ngành ngân hàng và đặt cược lạm phát sẽ hạ nhiệt vào năm 2023. Giá dầu tăng hơn 1 đô la/thùng, ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 10, do đồng đô la Mỹ rớt xuống mức thấp nhất trong 7 tháng và nhiều chỉ số cho thấy nhu cầu ngày càng tăng từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc.

chung-khoan-my-1673659822.jpeg

S&P 500 và Nasdaq đạt tuần tốt nhất kể từ tháng 11/2022

Cả 3 chỉ số chính đều cố gắng vươn lên sắc xanh sau khi bắt đầu ngày mới chìm trong sắc đỏ. Khép phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 112,64 điểm, tương đương 0,33%, lên 34.302,61. S&P 500 cộng 0,40% lên 3.999,09 và Nasdaq Composite tiến 0,71% lên 11.079,16.

S&P và Nasdaq đều có tuần tích cực thứ hai liên tiếp và hiệu suất hàng tuần tốt nhất kể từ tháng 11/2022. Nasdaq nặng về công nghệ là chỉ số hoạt động mạnh mẽ nhất trong tuần sau khi tăng 4,82%. S&P tăng 2,67% và chỉ số Dow tăng 2%.

Theo Ross Mayfield, Nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird, thu nhập của ngành ngân hàng đã ảnh hưởng đến cổ phiếu vào đầu phiên, nhưng tâm lý đã đảo ngược khi các nhà đầu tư dường như phớt lờ những tin tức tiêu cực được dự đoán ở một mức độ nào đó.

Wells Fargo, công ty có lợi nhuận trong quý vừa qua đã bị cắt giảm một nửa, cho biết họ đang chuẩn bị cho tình huống nền kinh tế “trở nên tồi tệ hơn so với những quý vừa qua.”

Mặc khác, JPMorgan Chase đã công bố doanh thu vượt kỳ vọng, nhưng ngay cả như vậy, ngân hàng này cũng cảnh báo rằng họ sẽ dành nhiều tiền hơn để bù đắp các khoản lỗ tín dụng vì “suy thoái nhẹ” là “trường hợp trọng tâm” của họ. Ngân hàng đã công bố khoản dự phòng 2,3 tỷ đô la cho các khoản lỗ tín dụng trong quý, tăng 49% so với quý thứ ba.

Trong một diễn biến khác, Delta Air Lines đã báo cáo kết quả kinh doanh và doanh thu cao hơn ước tính cho quý cuối cùng của năm 2022. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã “bốc hơi” 3,5%. Các nhà đầu tư đang tiếp tục chờ đợi những báo cáo này để hiểu rõ hơn về sức khỏe của nền kinh tế.

Về dữ liệu kinh tế, cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy triển vọng lạm phát trong một năm giảm xuống 4%, mức giảm hàng tháng thứ ba liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Điều đó xảy ra sau báo cáo CPI của tháng 12/2022, được công bố hồi thứ Năm, cho thấy lạm phát đã giảm 0,1% so với tháng 11/2022. Mặc dù vẫn tăng với tốc độ 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kết quả này làm tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể sớm làm chậm tốc độ tăng lãi suất.

Dầu đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 10 với hy vọng từ Trung Quốc

Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent giao sau ổn định ở mức 85,28 USD/thùng, tăng 1,25 USD, tương đương 1,5%. Hợp đồng tương lai dầu thô West Texas Middle (WTI) của Hoa Kỳ tăng phiên thứ bảy liên tiếp lên 79,86 USD/thùng, tiến 1,47 USD, tương đương 1,9%.

Dầu Brent đã tăng 8,6% trong tuần này, trong khi dầu WTI tăng 8,4%, bù đắp phần lớn khoản lỗ của tuần trước.

Đồng đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 7 tháng, một ngày sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát giảm trong tháng 12/2022, lần đầu tiên sau 2 năm rưỡi, làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.

Đồng bạc xanh yếu hơn có xu hướng thúc đẩy nhu cầu về dầu, khiến nó trở nên rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Các giao dịch mua dầu thô gần đây của Trung Quốc và sự gia tăng lưu lượng giao thông đường bộ ở nước này cũng đang thúc đẩy hy vọng phục hồi nhu cầu trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi mở lại biên giới và nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 sau các cuộc biểu tình vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, OPEC+ sẽ họp vào tháng 2 để đánh giá các điều kiện thị trường. Có một số lo ngại rằng tổ chức này có thể cắt giảm sản lượng dầu một lần nữa để nâng giá sau những đợt sụt giảm gần đây.

Trước đó, OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 10 do giá dầu toàn cầu giảm xuống dưới 90 USD/thùng.