Theo thông tin từ sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Phú Yên cho hay, từ ngày 25/5 – 20/6/2022, Đoàn Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Phú Yên đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về TN&MT đối với 6 công ty trên địa bàn tỉnh: Công ty TNHH Bột cá Phú Bình (địa chỉ thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu); Công ty TNHH đá Granite Thành Châu Phú Yên (địa chỉ thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân); Công ty TNHH Tân Hoàng Đạt (địa chỉ 07 Lưu Văn Liêu, P9, TP Tuy Hòa); Công ty TNHH Khoáng sản Sơn Long (địa chỉ QL1A, thôn Xuân Dục, xã An Phú, TP Tuy Hòa); Công ty TNHH Đầu tư Sơn An (địa chỉ KP2, Nguyễn Trung Trực, P8, TP Tuy Hòa) và Công ty Cổ phần khoáng sản Việt Nhật (địa chỉ thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa).
Qua thanh tra, Đoàn Thanh tra phát hiện 3 trong 6 công ty trên trong thời gian hoạt động đã có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về môi trường, đất đai và khoáng sản.
Cụ thể, đối với Công ty TNHH Khoáng sản Sơn Long, Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra dự án khai thác chế biến mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Trung Trinh, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, có diện tích 02 ha, trữ lượng khai thác 90.188 m3 đá nguyên khai, công suất khai thác 10.000 m3 đá nguyên khai/năm.
Về việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, Công ty chưa thực hiện đúng theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp lần đầu ngày 30/06/2015, cụ thể: Khu chế biến 1,2 ha, từ khi UBND tỉnh cho chủ trương đến nay chưa thực hiện việc giải phóng mặt bằng và lập thủ tục thuê đất theo quy định; Khu khai thác 20.015,5 m2, hiện trạng có một phần diện tích công ty sử dụng làm mặt bằng chế biến.
Về việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản, Công ty không thông báo bằng văn bản về trình độ chuyên môn, năng lực của giám đốc điều hành mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản; lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác không đầy đủ thông tin theo mẫu quy định tại Thông tư 17 ngày 24/12/2020 của Bộ TN&MT quy định về lập bản đồ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác và quy trình, phương pháp, biểu mẫu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.
Với 2 hành vi vi phạm, Trưởng Đoàn thanh tra đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 08/QĐ-XPVPHC ngày 03/06/2022 đối với Công ty TNHH Khoáng sản Sơn Long, tổng số tiền phạt là 21 triệu đồng. Cùng với đó, Đoàn Thanh tra đề nghị Công ty có trách nhiệm chấp hành nghiêm các nội dung quy định trong giấy phép được cấp; thực hiện đúng quy định về giám đốc điều hành mỏ, sau khi bổ nhiệm phải có văn bản thông báo, kèm theo chứng chỉ, hồ sơ năng lực của giám đốc điều hành mỏ gửi về Sở TN&MT; thực hiện nghiêm quy định về hạng mục khai thác mỏ, quá trình khai thác phải tuân thủ theo đúng hệ thống khai thác, trình tự khai thác, hồ sơ thiết kế được duyệt và đảm bảo an toàn lao động,….
Tại Công ty TNHH Đầu tư Sơn An, Đoàn Thanh tra đã thanh tra dự án Trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản tại thôn Thành An, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, có diện tích 13,17 ha, công suất 2.400 con heo nái, nhu cầu về nước khoảng 87,85 m3/ngày.
Qua thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường thì tại thời điểm kiểm tra Công ty TNHH Đầu tư Sơn An chưa thực hiện việc điều chỉnh nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được Sở TN&MT có ý kiến điều chỉnh quy trình công nghệ hệ thống xử lý nước thải, nước thải đầu ra trước khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn và bổ sung lò đốt của dự án trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản. Đồng thời, Công ty không thực hiện đúng một trong các nội dung của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường như: Tại hồ sinh học số 2, phần đáy hồ bạt chống thấm bị thủng ở nhiều vị trí, không có tác dụng chống thấm, nước trong hồ rất ít và nhìn thấy bạt chống thấm ở đáy hồ ló lên. Tại hồ sinh học số 1 và 2 không thả bèo tây, nuôi cá. Tại khu vực hầm phân hủy xác heo chết, Công ty đang đốt xác heo chết. Ngoài ra, Công ty không lập, gửi kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải cho cơ quan phê duyệt ĐTM.
Với những hành vi vi phạm, Trưởng Đoàn thanh tra ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 10/QĐ-XPVPHC ngày 09/06/2022 đối với Công ty TNHH Đầu tư Sơn An số tiền 70 triệu đồng và yêu cầu Công ty thực hiện nghiêm túc, đúng, đủ hồ sơ bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Báo cáo kết quả khắc phục xong các yêu cầu cho Sở TN&MT chậm nhất đến tháng 12/2022.
Bên cạnh đó, sau khi tiến hành thanh tra trên diện tích khu vực mỏ là 11,4849 ha dự án Khai thác và chế biến đá vật liệu xây dựng thông thường của Công ty Cổ phần Khoáng sản Việt Nhật, Đoàn Thanh tra phát hiện Công ty khai thác đá nằm ngoài phạm vi khu vực được cấp phép khai thác. Qua xác định khu vực khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác có tổng diện tích là 940 m2. Với hành vi vi phạm này, Trưởng đoàn thanh tra đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 07/QĐ-XPVPHC ngày 23/05/2022 đối với Công ty Cổ phần Khoáng sản Việt Nhật, số tiền phạt 15 triệu đồng. Yêu cầu Công ty phải cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.
Ngoài ra, Đoàn Thanh tra còn đề nghị, khi kết thúc năm khai thác (hàng năm), Công ty Cổ phần Khoáng sản Việt Nhật phải thực hiện đo vẽ, lập bản đồ hiện trạng khu vực mỏ, mặt cắt hiện trạng. thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác; mở, lưu giữ, quản lý sổ sách, chứng từ, tài liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế đầy đủ theo quy định. Qúa trình khai thác, Công ty phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm các nội dung quy định trong giấy phép được cấp; Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về tình hình hoạt động khoáng sản,….
Theo Luật sư Đặng Văn Sỹ, Đoàn luật sư TP. HCM cho biết, pháp luật hiện hành đã có tương đối đầy đủ các văn bản quy định về việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hướng môi trường sinh thái, trong đó nổi cộm lên là hành vi xả thải không đạt yêu cầu, khai thác khoáng sản trái qui định và khai thác khi chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng doanh nghiệp chấp nhận bị phạt để khai thác quá hạn mức khoảng sản, hay các doanh nghiệp chấp nhận bị phạt thay vì đầu tư hệ thống xử lý do mức xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành với nhiều trường hợp là chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc vận dụng và thực thi pháp luật của những người có trách nhiệm là chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.
Cũng theo luật sư Sỹ, để quản lý tốt việc khai thác khoáng sản, xử lý nước thải của các doanh nghiệp, tôi cho rằng trong thời gian tới đây chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật quy định một cách cụ thể hơn về việc xây dựng hạ tầng xử lý chất thải. Cùng với đó, trong các văn bản xử phạt cần phải tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Các chế tài này phải đảm bảo đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi xả thải ra môi trường, kiên quyết không có sự nương tay cho những hành vi gây ô nhiễm môi trường.