Quá thiếu tiền, chỉ số lình xình, cổ phiếu giảm giá gấp đôi số tăng

VN-Index giảm khoảng 4,63 điểm trong sáng nay có thể xem là tốt hay xấu tùy quan điểm, nhất là khi chứng khoán thế giới điều chỉnh mạnh sau động thái tăng lãi suất của FED đêm qua. Tuy vậy điều không thể phủ nhận là thị trường đã không thu hút được dòng tiền khiến thanh khoản cực thấp. Diễn biến giá trên nền thanh khoản nhỏ như vậy chỉ mang tính thời điểm...

chung-khoan-1667457535.png Các cổ phiếu lớn vẫn đang đan xen tăng giảm giúp cân bằng chỉ số.

 

VN-Index giảm khoảng 4,63 điểm trong sáng nay có thể xem là tốt hay xấu tùy quan điểm, nhất là khi chứng khoán thế giới điều chỉnh mạnh sau động thái tăng lãi suất của FED đêm qua. Tuy vậy điều không thể phủ nhận là thị trường đã không thu hút được dòng tiền khiến thanh khoản cực thấp. Diễn biến giá trên nền thanh khoản nhỏ như vậy chỉ mang tính thời điểm.

Các thông điệp trái chiều trong sự kiện FED tăng lãi suất khiến thị trường trở nên bất an. Chứng khoán Mỹ ban đầu nhận thấy sự mềm mỏng và khả năng FED sẽ giảm cường độ tăng lãi suất. Tuy nhiên ngay sau đó Chủ tịch FED lại tỏ ra rất cứng rắn trong việc nâng cao hơn đỉnh lãi suất của xu hướng thắt chặt. Chứng khoán Mỹ ngay trong thời gian họp báo đã quay đầu lao dốc mạnh. Tuy nhiên đến phiên châu Á, các thị trường tương lai chứng khoán thế giới lại phục hồi nhẹ.

Thị trường trong nước cũng khá bối rối, ban đầu có một nhịp giảm khá sâu. VN-Index chạm đáy lúc 9h38 và giảm 1,23% so với tham chiếu. Độ rộng tại thời điểm này ghi nhận 79 mã tăng/269 mã giảm. Tuy nhiên toàn thời gian còn lại, thị trường từ từ phục hồi, VN-Index chớm vượt qua tham chiếu lúc gần 11h, sau đó lại đỏ. Độ rộng tại đỉnh của chỉ số lúc 10h55 là 136 mã tăng/230 mã giảm. Kết phiên HoSE có 115 mã tăng/284 mã giảm.

Diễn biến độ rộng như vậy vẫn thể hiện trạng phân hóa ở cổ phiếu, nhưng mờ nhạt. Cổ phiếu ngay trong các nhóm ngành cũng tăng giảm trái chiều. Rõ nhất là nhóm ngân hàng, chứng khoán. Cổ phiếu ngân hàng có PGB, STB, OCB đang tăng trên 1% nhưng cũng cả loạt mã khác giảm trên 1% như TPB, EIB, HDB, VCB, ACB... Chứng khoán có HCM tăng tới 3,11%, VCI tăng 1,53%, SSI tăng 0,91% nhưng số giảm trên 2% cũng nhiều gấp 3 lần.

Nhìn chung tình trạng phân hóa tạo nguy cơ giao dịch sai lầm khá cao. Dòng tiền quá yếu khiến mỗi khi lực mua hay bán thay đổi, giá cũng dễ dàng thay đổi. Trong 20 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường sáng nay thì chỉ có 8 mã tăng giá, còn lại đều giảm.

chung-khoan-2-1667457694.png VN-Index đang lình xình trên nền thanh khoản rất kém.

 

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm tới 22% so với sáng hôm qua, chỉ còn 3.300 tỷ đồng. HoSE khớp lệnh giảm 23%, đạt 3.052 tỷ đồng, VN30 chỉ là 1.131 tỷ đồng.

Thanh khoản quá yếu phần lớn là do cung cầu không gặp nhau. Điều đó cũng phản ánh tâm lý chán giao dịch. Ngay cả khối ngoại cũng chỉ giải ngân gần 244 tỷ đồng ở HoSE, mức độ cực thấp, dù vậy cũng chiếm 7,3% tổng giá trị sàn này. Mức bán ra của khối này cũng chỉ là 203,6 tỷ đồng, tương đương mua ròng hơn 40,4 tỷ.

Điểm tích cực trong ngưỡng thanh khoản quá chán này, là mặt bằng giá cổ phiếu cũng không kém ở nhóm bue-chips. VN30 giảm nhẹ 0,28% với 7 mã tăng/21 mã giảm, trong đó 8 mã giảm trên 1%. Các chỉ số bị ảnh hưởng mạnh từ NVL giảm 4,05%, VCB giảm 1,22%, VIC giảm 1,81%, VJC giảm 2,19%. Phía tăng có VNM tăng 2,17%, GAS tăng 1,64%, MSN tăng 1,85%, MWG tăng 2,81%. Có thể thấy độ rộng nhóm VN30 tuy hẹp, nhưng lại phân hóa đáng kể về sức mạnh, những mã tăng được hầu hết là tăng cao. Điều này giúp cân bằng lại áp lực từ số lượng cổ phiếu rớt giá. HoSE đang có tới 144 cổ phiếu điều chỉnh giảm từ 1% trở lên, trong khi số tăng trên 1% chỉ là 50 mã.

Sau động thái tăng lãi suất của FED, tỷ giá tự do chưa cho biến động lớn nhưng giao dịch trong hệ thống ngân hàng vẫn đang bán ra ở ngưỡng sát trần cho phép. Việt Nam vừa tăng lãi suất sớm hơn và nới biên độ tỷ giá. Hiện các tín hiệu trên thị trường này vẫn chưa rõ ràng và đó cũng có thể là lý do khiến nhà đầu tư chờ đợi, giảm cường độ giao dịch xuống.

Hiện các kết quả kinh doanh quý 3/2022 về cơ bản đã ra hết, thị trường có đầy đủ cơ sở để phản ánh thông tin. Do đó nếu thị trường không thay đổi được trạng thái đi ngang mệt mỏi hiện tại nghĩa là tạm thời cân bằng cho đến khi xuất hiện thông tin mới. Rủi ro mang tính thị trường là dòng tiền quá yếu có thể khiến giá cổ phiếu lớn thay đổi bất lợi, bẻ hướng đi của chỉ số. Điều đó có thể được diễn giải là một tín hiệu xấu. Mặt khác, độ rộng liên tục bị áp đảo từ phía giảm cũng cho thấy rủi ro thua lỗ ở cổ phiếu cụ thể vẫn hiện hữu, bất kể chỉ số có thể đi ngang.