'Quan' giáo dục bắt tay DN gặm 'bánh' đấu thầu: Bán đạo đức đổi… 'tiền bẩn'

Vụ vi phạm đấu thầu xảy ra tại Sở GD&ĐT Điện Biên, trước đó là ở Quảng Ninh, Thanh Hóa… cho thấy việc quản lý còn nhiều sơ hở và đạo đức cán bộ xuống cấp.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cùng thuộc cấp là Trịnh Mạnh Cường, Trưởng phòng KH&TC về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Kiên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE, Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Các bị can trong vụ án vi phạm các quy định về đấu thầu xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên.

Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam còn có Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên Đinh Văn Hữu, Phó Giám đốc Nguyễn Quang Tuyến; Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C Võ Thúc Chính; Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô Mai Thanh An.

Hai bị can khác bị khởi tố cùng tội danh trên là Nguyễn Quốc Việt, Thẩm định viên Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE và Hồ Thị Sáu, Giám đốc khối thẩm định III, Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE. Cả hai bị can đều đang là bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.

Bán đạo đức… lấy “tiền bẩn”

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vụ án vi phạm các quy định về đấu thầu xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên là một "scandal" trong ngành giáo dục cần phải xem xét, xử lý nghiêm minh để làm gương, răn đe, phòng ngừa.

“Tuy nhiên, vụ vi phạm đấu thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên không phải vụ việc duy nhất của ngành giáo dục, trước đó không lâu đã từng xảy ra tại Sở GD&ĐT Quảng Ninh, Thanh Hóa. Những vụ việc này cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục có một số cán bộ biến chất, thoái hóa dẫn đến những sai phạm khiến ngành giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như Thủ tướng đã nói, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề. Do đó, những cán bộ thực hiện hành vi vi phạm như vậy cần phải xử lý nghiêm" - đại biểu Hòa nêu ý kiến.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, vấn đề thông đồng, cấu kết, móc nối giữa cán bộ Nhà nước với các doanh nghiệp để trục lợi trong đấu thầu không chỉ xảy ra trong ngành giáo dục.

“Hiện nay còn một số ngành khác khi tổ chức đấu thầu cũng có tình trạng thông đồng, tay trong, tay ngoài, thầu mẹ, thầu con để giảm giá gói thầu tại một số dự án để moi tiền nhà nước xảy ra không ít. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát hiện xử lý được triệt để do các đối tượng rất tinh vi, bài bản, lách luật qua mặt cơ quan chức năng. Vụ án vi phạm các quy định về đấu thầu xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên chỉ là một trong số ít được phát hiện”- ông Hòa cho hay.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Nghịch lý… đấu thầu để tiết kiệm lại gây thất thoát tài sản

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ việc vi phạm các quy định về đấu thầu xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, trước đó là hàng loạt vụ việc vi phạm đấu thầu xảy ra tại Sở GD&ĐT Quảng Ninh, Thanh Hóa khiến nhiều cán bộ lãnh đạo sở, doanh nghiệp bị khởi tố, bắt giam cho thấy đã có lỗ hổng trong việc quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí ở một số đơn vị giáo dục các địa phương…

Theo quy định của pháp luật, việc mua sắm tài sản của Nhà nước và nguồn đầu tư công phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị nhà thầu có năng lực, giá thành hợp lý để tiết kiệm cho ngân sách, đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo kết luận của cơ quan điều tra từ những vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu trong lĩnh vực mua sắm máy móc thiết bị y tế cũng như thiết bị giáo dục thời gian qua cho thấy, giá cả của các loại thiết bị này thường tăng lên gấp nhiều lần so với giá thị trường, gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước.

“Đây là vấn đề nghịch lý đang diễn ra ở nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ở các cơ quan, các lĩnh vực đều phát hiện sai phạm, nhiều cán bộ bị xử lý, trong đó có chế tài hình sự. Thông thường, nếu không tổ chức đấu thầu, có thể cơ quan Nhà nước mua được hàng hóa với giá thị trường hoặc có thể cao hơn giá thị trường một chút. Khi tổ chức đấu thầu sẽ mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thậm chí có thể là giá rẻ. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu thầu mà các cơ quan, tổ chức nhà nước này lại mua phải các hàng hóa giá đắt hơn gấp nhiều lần... đó đúng là nghịch lý - luật sư Cường nêu ý kiến.

Luật sư Cường.

Sơ hở trong quản lý kinh tế và đạo đức cán bộ xuống cấp

Luật sư Cường cho rằng, việc quản lý kinh tế còn nhiều sơ hở và đạo đức cán bộ xuống cấp. Chính những khe hở trong công tác quản lý là những cám dỗ vật chất khiến vụ cán bộ vì lòng tham mà nhúng chàm.

Dẫn chi tiết hai cán bộ Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE là Nguyễn Quốc Việt và Hồ Thị Sáu bị khởi tố, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong vụ án xảy ra tại Sở GD&ĐT Điện Biên cũng là hai bị can trong vụ án xảy ra ở Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Luật sư Cường cho rằng, điều này cho thấy có mối liên hệ giữa cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực này và việc thẩm định giá có sự liên kết, cấu kết giữa các bị can với nhau tạo ra thành những đường dây, những mắt xích để thực hiện hành vi trái pháp luật.

“Vấn đề này cho thấy những sơ hở trong công tác tổ chức đấu thầu để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động của nhà nước” - luật sư Cường nêu ý kiến.

Luật đấu thầu đã quy định rất đầy đủ, chặt chẽ trình tự thủ tục mời thầu, tổ chức đấu thầu, kiểm soát tính công khai minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên trên thực tế, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu vẫn diễn ra rất nhiều.

Luật sư Cường cho rằng, đã đến lúc cần phải có những đánh giá lại về công tác quản lý kinh tế, tăng cường các biện pháp quản lý đảm bảo sự chặt chẽ, khoa học và tăng cường cơ chế giám sát để bịt những lỗ hổng pháp lý.

Một vấn đề quan trọng để giảm thiểu các vi phạm pháp luật nữa là phải thực hiện tốt công tác cán bộ, lựa chọn đúng người có tài, có đức để giữ các vị trí quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và lĩnh vực y tế.

“Không ngừng bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị của cán bộ lãnh đạo. Khi cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm, chọn đúng người, đúng vị trí, có năng lực và có đạo đức tốt thì khi đó những gian lận, tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát tài sản của nhà nước mới giảm đi. Còn khi nào vẫn còn tình trạng “học nhầm lớp, ngồi nhầm ghế” vẫn còn diễn ra, công tác cán bộ còn chưa tốt, còn hiện tượng mua quan bán chức, đạo đức cán bộ sa sút, quản lý kinh tế yếu kém thì những vụ việc vi phạm như thế này sẽ còn diễn ra trong đời sống xã hội…” - luật sư Cường nhận định.