Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity công bố thông tin nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Christopher Randy Stroud (Chris Blank) không còn là người đại diện pháp luật. Thay thế vị trí này là Giám đốc Nguyễn Như Nam. Ông Nam cũng đang là quản lý đầu tư của SK Group.
Cuối năm ngoái, truyền thông Hàn Quốc từng đưa tin tập đoàn đầu tư này đang trong bước đàm phán cuối cùng để rót 100 triệu USD vào Pharmacity. Các bên khi đó chưa xác nhận gì về thương vụ.
Được thành lập từ năm 2011, Pharmacity đang là chuỗi bán lẻ dược phẩm có mạng lưới cửa hàng lớn nhất cả nước, đạt gần 1.100 nhà thuốc tính đến giữa tháng 8/2022. Tổng giám đốc Chris Blank từng đặt mục tiêu một nửa dân số Việt Nam có thể tiếp cận các nhà thuốc của chuỗi này trong 10 phút lái xe. Tương ứng trong vòng 3 năm tới, cả nước sẽ có 5.000 cửa hàng Pharmacity, gấp 5,5 lần con số hiện tại.
Bốn năm qua, doanh nghiệp này liên tục "đốt tiền" nhờ sự hậu thuẫn của công ty mẹ và các quỹ đầu tư. Cách đây ba năm, Pharmacity được Mekong Capital rót vốn nhưng không tiết lộ số tiền. Sau đó một năm, chuỗi này huy động khoảng 730 tỷ đồng trong vòng Series C và tiếp đến công ty mẹ phát hành trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng.
Có thêm sự hậu thuẫn từ SK Group, tiềm lực tài chính của Pharmacity càng thêm lớn mạnh. Là một trong 4 tài phiệt (chaebol) của Hàn Quốc, SK Group điều hành hơn 120 doanh nghiệp trong các ngành năng lượng, dược phẩm - y tế, vật liệu tiên tiến, vận tải và bán dẫn, công nghệ thông tin và truyền thông... Đơn vị này đã đầu tư gần 2 tỷ USD vào Vingroup và Masan.
Nếu tính cả Pharmacity, SK Group hiện đổ 2 khoản vốn lớn vào ngành dược Việt Nam. Từ cuối tháng 5/2020, SK Investment Vina III - thành viên của SK Group, lần lượt mua vào lượng lớn cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP). Mới đây, quỹ này đăng ký mua thêm mã IMP để nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 55%.
SSI Research cho rằng, kết quả kinh doanh của các công ty dược phẩm trong năm nay sẽ được thúc đẩy nhờ doanh thu tốt tại kênh nhà thuốc và hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện phục hồi mạnh mẽ. Đơn vị này nêu quan điểm, dược phẩm là một ngành phòng thủ với nhu cầu ổn định qua các thời kỳ, lợi nhuận chắc chắn hơn so với các ngành khác trong trường hợp nền kinh tế suy thoái.
Ở tầm nhìn dài hạn, theo dự báo của IBM, quy mô ngành dược Việt Nam có thể đạt hơn 16 tỷ USD vào năm 2026. Ngành này tăng trưởng mạnh nhờ dân số có xu hướng già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe gia tăng và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cũng như tuổi thọ trung bình tăng lên.