Quý IV/2022, lợi nhuận Vĩnh Hoàn bắt đầu tăng trưởng âm khi giảm 56,4% về 199,56 tỷ đồng

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng 9 tháng đầu năm, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC - sàn HoSE) báo cáo lợi nhuận quý IV/2022 giảm 56,4% và tiếp tục trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán.

Trong quý IV/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.484,09 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 199,56 tỷ đồng, giảm 56,4% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,8% về còn 19,1%.

Trong kỳ, do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 26,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 168,19 tỷ đồng về 474,03 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 93,7%, tương ứng tăng thêm 57,07 tỷ đồng lên 117,95 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 750%, tương ứng tăng thêm 120,53 tỷ đồng lên 136,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 43,2%, tương ứng tăng thêm 66,81 tỷ đồng lên 221,33 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Công ty thuyết minh nguyên nhân lợi nhuận giảm trong kỳ do sản lượng bán và sản lượng sản xuất giảm, đồng thời chi phí nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng dẫn tới lợi nhuận giảm 56,4% về còn 199,56 tỷ đồng.

Luỹ kế trong năm 2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 13.239,42 tỷ đồng, tăng 46,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.014,58 tỷ đồng, tăng 82,1% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, điểm đáng lưu ý doanh thu tài chính tăng 135,1% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 263,82 tỷ đồng lên 459,15 tỷ đồng; chi phí tài chính tài chính tăng 271,%, tương ứng tăng thêm 289,16 tỷ đồng lên 395,88 tỷ đồng.

chi-phi-tai-chinh-nam-2022-tang-manh-1675917203.pngChi phí tài chính năm 2022 tăng mạnh (Nguồn: BCTC).

Công ty thuyết minh, doanh thu tài chính tăng chủ yếu ghi nhận lãi tỷ giá đã thực hiện 363,3 tỷ đồng so với cùng kỳ là 80,7 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng chủ yếu do lỗ và dự phòng đầu tư chứng khoán 85,6 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận, lỗ tỷ giá và chi phí tài chính tăng cao.

Trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 45,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty hoàn thành 125,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Ở một diễn biến khác, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, lợi nhuận năm 2023 của Vĩnh Hoàn nhiều khả năng sẽ tăng trưởng âm, nhưng vẫn cao hơn mức trước 2022 do giá bán và sản lượng khó giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát giúp tăng tiêu dùng thực phẩm giá rẻ như cá tra; mảng collagen và gelatin (C&G) làm giảm bớt mức độ sụt giảm lợi nhuận trong những năm khó khăn của mảng cá tra; không còn tình trạng dư cung nguyên vật liệu như giai đoạn 2018-2019 giúp giá nguyên vật liệu và giá bán không giảm đột biến.

Tạm lỗ 42,7% tổng danh mục đầu tư chứng khoán

Quay trở lại với Báo cáo tài chính quý IV/2022, tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn tăng 32,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.842,8 tỷ đồng, lên 11.580,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 2.822,98 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.712,9 tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.432,4 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.321,1 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản…

Trong năm, tài sản biến động mạnh chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 58,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 854,2 tỷ đồng lên 2.321,2 tỷ đồng; tồn kho tăng 51,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 919,8 tỷ đồng lên 2.712,9 tỷ đồng; tài sản cố định tăng 36,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 756,28 tỷ đồng lên 2.822,98 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, đầu năm Công ty ghi nhận đầu tư 79,9 tỷ đồng vào chứng khoán và không trích lập dự phòng. Tuy nhiên, tới cuối năm 2022, Công ty đang ghi nhận đầu tư chứng khoán là 179,3 tỷ đồng, trích lập dự phòng 76,6 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 42,7% tổng danh mục. Thêm nữa, thời điểm 30/9/2022, tổng danh mục đầu tư chứng khoán là 190,95 tỷ đồng, tính tới 31/12/2022 là 179,3 tỷ đồng, tức giảm 11,65 tỷ đồng.

Như vậy, có dấu hiệu Công ty đang thu hẹp danh mục đầu tư chứng khoán so với thời điểm cuối quý III/2022.

vinh-hoan-tang-trich-lap-du-phong-dau-tu-chung-khoan-nam-2022-1675917187.pngVĩnh Hoàn tăng trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán năm 2022 (Nguồn: BCTC).

Công ty thuyết minh, danh mục đầu tư cổ phiếu chủ yếu đang nắm giữ 58,2 tỷ đồng cổ phiếu DXS, trích lập dự phòng 36,6 tỷ đồng; nắm giữ 76,3 tỷ đồng cổ phiếu NLG, trích lập dự phòng 25,7 tỷ đồng; nắm giữ 29,95 tỷ đồng cổ phiếu KBC, trích lập dự phòng 7,68 tỷ đồng; và còn lại nắm giữ 14,83 tỷ đồng cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 6,6 tỷ đồng.

vinh-hoan-tang-trich-lap-du-phong-thanh-pham-trong-nam-2022-1675917191.pngVĩnh Hoàn tăng trích lập dự phòng thành phẩm trong năm 2022 (Nguồn: BCTC).

Về tồn kho, điểm đáng lưu ý, đầu năm, Công ty chỉ trích lập 87 tỷ đồng thành phẩm, nhưng cuối năm đã trích lập tới 400,1 tỷ đồng thành phẩm, tăng 3,6 lần so với đầu năm.

Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 26,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 497 tỷ đồng lên 2.388,4 tỷ đồng và chiếm 20,6% tổng nguồn vốn.

Tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản giảm 31% về 600 triệu USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tiếp đà giảm sâu theo xu hướng quý IV/2022 cùng với trùng vào dịp Tết Nguyên đán, xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2023 chỉ đạt 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%. Riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.

Xuất khẩu sang các thị trường chính trong tháng đầu năm 2023 cũng giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc – Hong Kong giảm 55%, EU giảm 35%...

VASEP nhận định, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Ngành thủy sản kỳ vọng vào sự hồi phục về nhu cầu và đơn hàng từ quý II/2023.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/2, cổ phiếu VHC giảm 1.600 đồng về 65.400 đồng/cổ phiếu.