Ông Trần Luôn (85 tuổi) - trú khối phố Phước Xuyên cho biết, gia đình ông có 1.206,4m2 đất. Năm 2019, chính quyền UBND huyện Duy Xuyên có kế hoạch đầu tư tuyến đường Văn Thị Thừa nối khối phố Phước Xuyên với khối phố Mỹ Xuyên, thị trấn Nam Phước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ông Luôn, trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB), gia đình ông bị thu hồi số diện tích đất nói trên và UBND thị trấn Nam Phước đã cam kết trong 6 tháng sẽ đổi lại diện tích 1.206m2 bị thu hồi cho gia đình ông. “4 năm qua, chính quyền huyện Duy Xuyên vẫn chưa thực hiện việc đổi lại 1.206m2 đất cho gia đình tôi. Cuối năm 2022, UBND huyện ra thông báo thay đổi phương án, từ đất đổi đất sang đền bù cho tôi 200m2 đất, số còn lại áp giá bồi thường hơn 1 triệu đồng/m2” - ông Luôn chia sẻ.
Theo ông Luôn, ông không chấp nhận lấy 200m2 đất và số đất còn lại áp giá đền bù hơn 1 triệu đồng/m2 ông cũng không đồng ý vì giá đền bù này quá thấp so với giá đất trên thị trường hiện tại. Ở địa phương có giá từ 7 - 8 triệu đồng/m2. Vì vậy gia đình ông đã mua lưới thép B40 cùng dây chắn ngang 2 đoạn đường Văn Thị Thừa thuộc diện tích đất của gia đình chưa được chính quyền địa phương đền bù.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Xinh (69 tuổi) - trú khối phố Phước Xuyên cho rằng, gia đình ông có 350m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm, khi triển khai dự án làm đường Văn Thị Thừa thì gia đình ông đã hiến tặng 170m2, còn 180m2 được chính quyền địa phương cam kết đất đổi đất. Tuy nhiên đến nay 4 năm rồi mà gia đình ông chưa được bàn giao đất.
Ông Xinh chia sẻ thêm, mới đây UBND huyện Duy Xuyên đã có Quyết định số 5364/QĐ-UBND, ngày 9/9/2022, hủy bỏ Quyết định số 11933, ngày 31/12/2019 của UBND huyện về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB tuyến đường trên và không chấp nhận cam kết đất đổi đất của UBND thị trấn Nam Phước cho gia đình ông và thay bằng phương án bồi thường tiền theo giá Nhà nước hơn 1 triệu đồng/m2 vì thế ông không chấp nhận.
“Vì giá đất này quá thấp so với mặt bằng giá đất thị trường hiện nay. Đó là chưa nói, đổi đất cho gia đình tôi thì đến bao giờ mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ)? Chính quyền hứa gần 4 năm rồi, trong khi đó tôi chỉ cần chính quyền trả lời là thời gian bao lâu sẽ giao giấy QSDĐ cho tôi” - ông Xinh nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Liên - trú khối phố Xuân Đông 2, thị trấn Nam Phước cho biết: “Những ngày qua, tôi điều khiển xe máy qua tuyến đường Văn Thị Thừa không được nên phải đi đường vòng rất xa mới lên đến trung tâm thị trấn Nam Phước. Tất cả là do các hộ dân rào chắn ngang 2 đầu ở con đường này. Chúng tôi mong sao các ngành chức năng sớm giải quyết vấn đề để bà con được đi lại thuận lợi”.
Đó cũng là ý kiến của những người dân khi không thể lưu thông qua đoạn đường này.
Sáng 27/2, ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại tuyến đường Văn Thị Thừa, đoạn qua khối phố Phước Xuyên đã bị người dân dùng lưới B40 cùng một số vật dụng khác rào chắn ngang 2 đầu đoạn đường này (dài gần 100m), các phương tiện tham gia giao thông trên đoạn đường này phải quay đầu hoặc đi vào đường bê tông trong xóm mới qua được khối phố Mỹ Xuyên để ra quốc lộ 1A.
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, khi triển khai tuyến đường Văn Thị Thừa, UBND huyện Duy Xuyên giao cho UBND thị trấn Nam Phước thực hiện công tác GPMB, vận động nhân dân hiến đất làm đường.
“Đối với 2 hộ gia đình nhà ông Trần Luôn và ông Xinh bị thu hồi diện tích đất lớn nên UBND thị trấn Nam Phước lập phương án đền bù đổi phần diện tích đất ở cho 2 hộ dân và trình UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên qua kiểm tra nhận thấy phương án đổi đất là không đúng theo quy định của Nhà nước nên UBND huyện ra quyết định hủy toàn bộ nội dung cam kết đền bù đất đối với 2 hộ dân này” - ông Đức nói.
Theo ông Đức, giờ muốn thực hiện phương án bồi thường thì phải chờ kế hoạch sử dụng đất, trong khi đó UBND tỉnh Quảng Nam chưa ban hành cho nên UBND huyện phải chờ các kế hoạch của UBND tỉnh để lập phương án đền bù theo đúng quy định pháp luật. Trong khi chờ đợi thì gia đình ông Luôn đã rào tuyến đường trên, chính quyền huyện đã đến đối thoại 2 lần với gia đình ông Luôn, nhưng gia đình này chưa chấp nhận tháo dỡ rào chắn. Thời gian tới, gia đình ông Luôn không đồng ý việc tháo dỡ thì chính quyền sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo việc lưu thông cho nhân dân.
Ông Lương Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, dự án đường Văn Thị Thừa được khởi công xây dựng vào năm 2019, với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Những ngày qua, 2 hộ dân đã rào chắn đòi quyền lợi đất nên đã ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Chính quyền địa phương đã đến tuyên truyền, vận động tháo dỡ. UBND huyện Duy Xuyên cũng đã hủy bỏ quyết định bồi thường trước đó để xử lý theo đúng quy định. Các ngành chức năng địa phương cũng đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để sớm tháo gỡ vướng mắc cho 2 hộ dân này.