Rủi ro khi Techcombank 'neo' vào Masan, Vingroup

Chiến lược xoay quanh hệ sinh thái của khách hàng lớn như Masan hay Vingroup sẽ mang lại những cơ hội phát triển cho Techcombank. Tuy nhiên, cũng sẽ gặp khó khăn về tăng trưởng dư nợ, rủi ro đến chất lượng tài sản nếu như có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của các khách hàng lớn.
techcombank-4041-1620981451.jpg

Techcombank đang trong quá trình xây dựng sản phẩm, chiến lược xoay quanh các đối tác lớn Vingroup và Masan.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa phát hành báo cáo về Techcombank (HoSE: TCB), đề cập đến triển vọng của nhà băng này trong mối quan hệ hợp tác cùng Masan và Vingroup.

Techcombank đang trong quá trình xây dựng sản phẩm, chiến lược xoay quanh các đối tác lớn Vingroup và Masan. Các sản phẩm mới nếu triển khai thành công sẽ giúp Techcombank tăng độ phủ và trải nghiệm khách hàng.

Một trong số các sản phẩm Techcombank đang nghiên cứu là việc tích hợp các dịch vụ tài chính tại các cửa hàng Vinmart và Vinmart+. Đây là mô hình thành công đã triển khai tại hệ thống gần 12.000 cửa hàng 7-eleven ở Thái Lan với các dịch vụ như thanh toán hóa đơn điện, nước; gửi tiền tiết kiệm, rút tiền, chuyển tiền…

Tuy nhiên VCBS đánh giá: “Mặc dù, chiến lược xoay quanh hệ sinh thái của một số khách hàng lớn sẽ mang lại những cơ hội phát triển đột phá. Song cũng có thể khiến cho cho Techcombank gặp phải khó khăn trong quá trình tăng trưởng về dư nợ, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng nếu như có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của các khách hàng lớn đó”.

Ngoài "cú bắt tay" kể trên, lợi thế khác của Techcombank là ngân hàng này không phải chịu áp lực lớn từ trích lập dự phòng khi ngân hàng đang ghi nhận tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên danh mục cho vay cuối quý I/2021 ở mức 2,3%, giảm so với mức 3,6% ở thời điểm cuối quý II/2020.

Một lợi thế nữa của Techcombank là không phải chịu áp lực lớn từ trích lập dự phòng khi ngân hàng đang ghi nhận tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên danh mục cho vay cuối quý I/2021 ở mức 2,3%, giảm so với mức 3,6% ở thời điểm cuối quý II/2020.

VCBS cho rằng việc một số khách hàng có dư nợ tái cơ cấu không thể hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển thành nợ xấu trong năm 2021 là không thể tránh khỏi, ngân hàng sẽ phải thực hiện trích lập xử lý lượng nợ xấu này. Tuy nhiên, với việc thực hiện trích lập dự phòng mạnh mẽ ngay trong năm 2020, áp lực trích lập nợ xấu trong năm 2021 được kỳ vọng ở mức thấp.