Cách đây không lâu, Bộ Công Thương đã tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu của 7 doanh nghiệp đầu mối với thời hạn từ 1-2 tháng, tùy từng trường hợp. Quyết định được đưa ra sau khi các đoàn thanh tra của Bộ đã tiến hành thanh kiểm tra 33 doanh nghiệp đầu mối, triển khai từ tháng 3/2022, thời điểm xảy ra những bất cập về nguồn cung xăng dầu.
Các doanh nghiệp chịu "án phạt" gồm có Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV; Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty CP Nhiên liệu Phúc Lâm; Công ty CP Phúc Lộc Ninh và Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; Tâp đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các thương nhân đầu mối báo cáo, tổng hợp và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương báo cáo công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, bao gồm báo cáo công tác lập, công bố công khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu dự trữ chiến lược, dự trữ lưu thông, hệ thống tuyến ống xăng dầu trên phạm vi cả nước.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo quy trình cấp phép kinh doanh xăng dầu đối với lĩnh vực kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; sản xuất, pha chế xăng dầu; dự trữ xăng dầu; việc quản lý về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu như quy trình kiểm định, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, khối lượng xăng dầu...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần báo cáo về nhu cầu, kế hoạch, khối lượng, tiến độ nhập khẩu hàng năm đối với việc kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Kế hoạch sản xuất, khối lượng sản xuất hàng năm về sản xuất, pha chế xăng dầu...
Phản ứng trước quyết định của Bộ Công Thương, Saigon Petro vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương nhằm phân trần về vụ việc. Theo đó, đoàn thanh tra đã kết luận Saigon Petro có hành vi vi phạm hành chính: "Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định", tại khoản 5 điều 7 Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu: “Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.
Saigon Petro cho biết, năm 2021, mặc dù doanh nghiệp không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ, song hệ thống phân phối vẫn có hơn 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu; bên cạnh đó, một công ty cổ phần do Saigon Petro sở hữu 40% vốn điều lệ có 32 cửa hàng trực thuộc và 73 thương nhân nhận quyền bán lẻ; 47 thương nhân phân phối.
Doanh nghiệp cho rằng, hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối. Từ đó, Saigon Petro khẳng định đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối, vì luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
Văn bản khẩn cầu cứu Thủ tướng và Bộ Công Thương |
Mặt khác, Saigon Petro cho biết việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu sẽ gây ra hàng loạt hậu quả cho doanh nghiệp. Cụ thể, hệ thống phân phối của Saigon Petro sẽ bị mất nguồn cung trên 50.000 m3/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa.
Theo Saigon Petro, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp. Chưa kể, doanh nghiệp sẽ bị phạt hợp đồng với Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn trong tháng 9 với số lượng hợp đồng 40.000 m3 xăng dầu.
Saigon Petro cũng sẽ bị phạt hợp đồng nhập khẩu đối với khách hàng nước ngoài đã ký hợp đồng giao hàng trong tháng 9 và đồng thời hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái. Doanh nghiệp sẽ bị phạt tàu do không thể mở tờ khai nhập hàng để nhập hàng lên bồn và thông quan hàng hoá…
Từ hệ luỵ khi bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, cũng như năng lực hiện tại của doanh nghiệp, Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để công ty không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường, và bảo tồn vốn của nhà nước.
Được biết, Saigon Petro là doanh nghiệp nhà nước, do Văn phòng Thành ủy TP.HCM làm đại diện chủ đầu tư. Tiền thân là Xí nghiệp Liên doanh chế biến Dầu khí, ra đời năm 1986, tức đã có 36 năm xây dựng và phát triển.
Saigon Petro là 'ông lớn' nhập khẩu và cung cấp xăng dầu cho thị trường Nam Trung Bộ trở vào, với sản lượng rất lớn, bên cạnh các sản phẩm khác liên quan đến gas.
Theo tìm hiểu của Kinh tế Chứng khoán, bình quân doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Saigon Petro trong 5 năm gần nhất là trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó ở giai đoạn trước Covid, doanh nghiệp ghi nhận đến 13.269 tỷ đồng (2017), 14.876 tỷ đồng (2018) và 12.788 tỷ đồng (2019). Sau này, bởi các đợt dịch bùng phát dữ dội, và nhiều tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nền kinh tế "cửa đóng then cài", doanh thu của DN này đã giảm mạnh xuống còn 6.110 tỷ đồng (2020) và 6.059 tỷ đồng (2021).
Về lợi nhuận, Saigon Petro báo cáo lãi sau thuế lần lượt 256 tỷ đồng (2017), 302,4 tỷ đồng (2018), 143,1 tỷ đồng (2019) và 266,7 tỷ đồng (2021). Trong năm đầu tiên ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp chịu lỗ nặng đến 314,7 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2021, tài sản của Saigon Petro đạt gần 2.960 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với hồi 2017, là hệ quả tất yếu sau chuỗi suy giảm không ngừng. Vốn chủ sở hữu đóng góp 1.094 tỷ đồng, ngang ngửa vốn điều lệ, còn lại 1.864 tỷ đồng hình thành từ nợ phải trả. Trong đó, doanh nghiệp dư nợ vay khoảng 765 tỷ đồng.