Sam Bankman-Fried - Từ vua tiền ảo đến ngục tù

Cách đây vài tháng, Sam Bankman-Fried vẫn là gương mặt đáng ngưỡng mộ: Một thanh niên 30 tuổi đã sáng lập ra sàn điện tử lớn thứ 2 thế giới, là nhà từ thiện nổi tiếng với tài sản hơn 26 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện giờ anh đang đối mặt với mức án tù có thể lên đến 115 năm.

Hiện Bankman-Fried đã bị bắt giữ ở Bahamas và bị buộc tội gian lận chuyển khoản, gian lận chứng khoán, rửa tiền, cùng nhiều tội danh khác. Anh đã bị từ chối bảo lãnh và phiên điều trần dẫn độ của anh sẽ không diễn ra cho đến ngày 8-2. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng buộc anh tội lừa đảo các nhà đầu tư FTX.

Như ngọn hải đăng

Bankman-Fried là con trai của 2 giáo sư Đại học Stanford (Mỹ). Anh học chuyên ngành vật lý tại MIT, nhưng sau đó chịu ảnh hưởng của nhà triết học Oxford Will MacAskill - người lãnh đạo của chủ nghĩa Nhân đạo hiệu quả - Bankman-Fried quyết định làm việc cho một công ty thương mại để kiếm được nhiều tiền hơn và nhanh hơn.

Chủ nghĩa Nhân đạo hiệu quả khuyến khích người ta làm từ thiện một cách hiệu quả. Một số người theo chủ nghĩa này tin rằng nên tìm cách kiếm tiền nhiều nhất có thể để cho đi hiệu quả hơn. Bankman-Fried nói với Recode trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái: “Nếu bạn đang cố gắng quyên góp, bạn nên kiếm tiền càng nhiều càng tốt và cho đi càng nhiều càng tốt”.

Bankman-Fried bắt đầu sự nghiệp ở Phố Wall năm 2013, khi 21 tuổi. Anh đã làm giàu nhờ kinh doanh chênh lệch giá tiền điện tử - mua giá thấp hơn trên sàn giao dịch tiền điện tử, sau đó nhanh chóng bán chúng với giá cao hơn trên sàn giao dịch khác. Anh đã thuyết phục vài người bạn theo chủ nghĩa nhân đạo hiệu quả giúp đỡ việc kinh doanh chênh lệch giá này, và thành lập công ty thương mại Alameda Research.

Đến năm 2019, nó đã mang lại đủ lợi nhuận để Bankman-Fried ra mắt sàn giao dịch tiền điện tử của riêng mình, FTX. Để thu hút nhà đầu tư, FTX cho phép các giao dịch rủi ro hơn so với các sàn giao dịch khác, cũng như cho phép mọi người đặt cược với đòn bẩy cao. Năm 2021, ở tuổi 29 Bankman-Fried có tài sản trị giá 22,5 tỷ USD.

Mặc dù 2022 là năm vô cùng hỗn loạn đối với tiền điện tử, nhưng Bankman-Fried lại vươn lên như ngọn hải đăng cho các công ty khác. Anh đã cấp cho công ty cho vay tiền điện tử BlockFi khoản tín dụng trị giá 250 triệu USD, cứu trợ nhà môi giới tiền điện tử bị phá sản Voyager Digital. Anh cũng đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm FTX Ventures quản lý khoảng 2 tỷ USD tài sản. Có vẻ Bankman-Fried sẽ phát triển tiền điện tử mạnh mẽ hơn các đối thủ cạnh tranh của mình, chủ yếu bằng cách biến thất bại của người khác thành cơ hội của mình.

Đỉnh cao danh vọng

Bankman-Fried dường như đang thoải mái trên ngai vàng quyền lực. Vào tháng 6, anh đã ký cam kết Giving Pledge, nơi các tỷ phú như Warren Buffett, Bill Gates và MacKenzie Scott hứa cho đi ít nhất 50% tài sản của mình. Trước đó, vào tháng 2-2021 anh đã thành lập Quỹ FTX, với mục tiêu hỗ trợ các hoạt động như cải thiện phúc lợi động vật và chống đói nghèo toàn cầu, đồng thời tài trợ cho các nghiên cứu và dự án nhằm cải thiện “triển vọng lâu dài của nhân loại”. Quỹ FTX cho biết đã quyên góp hơn 190 triệu USD.

Bankman-Fried cũng tạo nên làn sóng trong giới chính trị, là một trong những nhà tài trợ cá nhân lớn nhất cho Joe Biden vào năm 2020, và là nhà tài trợ cá nhân lớn thứ 6 cho bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của đảng Dân chủ. Anh đã đóng góp gần 40 triệu USD cho các ứng cử viên và đảng viên Dân chủ, bao gồm khoản quyên góp 1 triệu USD cho Beto O'Rourke trong chiến dịch tranh cử Thống đốc Texas. Một trong những mục tiêu hàng đầu của Bankman-Fried là thu hút nhiều đầu tư chính trị hơn vào việc chuẩn bị cho đại dịch, anh đã chi hàng triệu USD ủng hộ cuộc đua vào Quốc hội của Carrick Flynn, người ưu tiên phòng chống đại dịch.

Bankman-Fried đã thuê nhân viên tư vấn cho mình về các mối quan tâm, bao gồm cả quy định về tiền điện tử. Anh cũng bảo trợ truyền thông, đầu tư vào trang tin tức mới Semafor và trao các khoản tài trợ cho các ấn phẩm khác. Anh là người liên lạc chính của Quốc hội và Nhà Trắng về việc quy định tiền điện tử, thậm chí điều trần trước Quốc hội về vấn đề này. Anh nói với Los Angeles Times vào tháng 8 rằng “đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với các thành viên Quốc hội về những điều mang tính xây dựng đối với các chính sách về tiền điện tử, và về những gì có thể được thực hiện để hỗ trợ sự giám sát của liên bang đối với nó”.

Bankman-Fried dường như sẵn sàng chi những khoản tiền thậm chí còn lớn hơn ở Washington và trên các phương tiện truyền thông. Đầu năm nay, anh đã đưa ra ý tưởng chi tới 1 tỷ USD cho chính trị vào năm 2024 để ngăn chặn ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng. Anh cũng đã nhắn tin cho Elon Musk, bày tỏ việc muốn chi hàng tỷ USD để tham gia thỏa thuận mua lại Twitter.

Thần tượng sụp đổ

Bankman-Fried đã trở nên nổi tiếng như một hình mẫu về cách những người siêu giàu, những người có khối tài sản dường như vô tận, và chỉ sử dụng cho mục đích tốt. Anh là chủ đề của vô số bài báo, đã xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Fortune số tháng 9. Các phương tiện truyền thông miêu tả anh là nhà thông thái khiêm tốn, mọt sách, thực tế, không chú trọng vẻ bề ngoài với mái tóc bù xù, áo phông và quần soóc, đi Toyota Corolla... Anh chơi game trên máy tính trong các cuộc họp, và tính cách lập dị của anh được coi là bằng chứng về thiên tài khác biệt của anh.

Tuy nhiên, đến ngày 11-11, FTX, FTX US, Alameda Research và hơn 100 chi nhánh đã nộp đơn xin phá sản ở Delaware (Mỹ). New York Times báo cáo sàn giao dịch nợ tới 8 tỷ USD. Bất chấp sự phá sản của FTX, Bankman-Fried vẫn cố gắng huy động vốn cho công ty vào cuối tuần ngày 12 và 13-11. Vào ngày 12-12, Bankman-Fried bị bắt ngay trong khu chung cư của mình ở Bahamas bởi Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Bahamas, sẽ bị dẫn độ đến Mỹ để hầu tòa.

Trước đó, Tòa án New York đã cáo buộc Bankman-Fried “âm mưu lừa đảo khách hàng; lừa đảo khách hàng; âm mưu lừa đảo người cho vay; gian lận đối với người cho vay; âm mưu lừa đảo về chứng khoán; âm mưu lừa đảo hàng hóa; âm mưu rửa tiền; và âm mưu lừa gạt chính phủ Mỹ và vi phạm luật tài chính”. Nếu bị kết án cả 8 tội danh, Bankman-Fried phải đối mặt với mức án tối đa 115 năm tù giam.

Từng được định giá 32 tỷ USD, đế chế tiền ảo FTX của Sam Bankman-Fried đã sụp đổ chóng vánh và rơi vào tầm ngắm điều tra hình sự của cơ quan chức năng.