Sẵn sàng đón dòng FDI chất lượng cao

02/02/2023 10:49

Thống kê chưa đầy đủ, tháng đầu tiên của năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đã đạt gần 1,7 tỉ USD. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới.

cong-nhan-cty-moatech-1675305470.jpgCông nhân  lắp ráp điện thoại cho 1 doanh nghiệp ở Hàn Quốc, Ảnh: Cường Ngô

Việt Nam cấp mới cho 153 dự án đầu tư FDI

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT), tính từ đầu năm đến ngày 20.1.2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỉ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1.2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng có một điểm tích cực là Việt Nam đã cấp mới cho 153 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỉ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Căn cứ vào yếu tố trên, các chuyên gia đánh giá kết quả thu hút các dự án mới trong tháng 1.2023 là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội cho Việt Nam trong năm 2023.

Được biết, trong tháng 1.2023, có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 767,6 triệu USD, chiếm 63,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; Trung Quốc xếp thứ 2 với 198,2 triệu USD, chiếm 16,4%.

Kỳ vọng đầu tư FDI năm 2023 sẽ đưa cả giai đoạn 2021-2025 tăng tốc

Đánh giá về tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tháng đầu năm 2023, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho rằng, đây tiếp tục là tín hiệu sáng về FDI chất lượng cao của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong việc chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất.

GS Nguyễn Mại nhấn mạnh, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới rất quan tâm tới Việt Nam. Không chỉ Apple, mà cả Microsoft cũng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và sẽ dành nguồn lực để đầu tư vào nước ta. Các tập đoàn kinh tế với thương hiệu khủng như Foxconn, Intel đang đầu tư và hợp tác với nhiều công ty công nghệ của Mỹ để đầu tư làm nhà máy sản xuất chất bán dẫn cũng coi Việt Nam là mảnh đất đầu tư nhiều tiềm năng.

Tại TP.Hồ Chí Minh, Tập đoàn Intel đã có giấy phép đầu tư 1,2 tỉ USD làm chip bán dẫn nguồn, họ cho biết, đây là nhà máy thứ 3 của Intel trên toàn cầu và dự kiến vào năm 2030 sẽ cung cấp 20% chip bán dẫn cho thế giới.

"Thị trường sản xuất thiết bị chất bán dẫn ở Việt Nam sẽ rất sôi động trong năm 2023. Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm bán dẫn nguồn mà thế giới cần được sản xuất ở Việt Nam và cung cấp ra thị trường thế giới” - GS Nguyễn Mại nói.

Hàn Quốc cũng có nhiều nhà đầu tư lớn chọn Việt Nam để “rót vốn”. Riêng nhãn hàng Samsung đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam. LG cũng “rót” thêm 1 tỉ USD vào Việt Nam để phát triển mạng lưới.

Các nhà đầu tư của Nhật Bản cũng chọn Việt Nam làm điểm đến. Mới đây, Ban quản lý khu công nghiệp của Hà Nội đã cấp phép cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sản xuất linh kiện cho Boeing, linh kiện tàu thuỷ, shinkansen, họ bắt đầu xây dựng và phát triển doanh nghiệp hỗ trợ lớn tại Việt Nam…

Đánh giá về khả năng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam, TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào xây dựng ngay 4 nhóm tiêu chí liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện định hướng thu hút FDI có chất lượng cao. Cùng với đó là tiêu chí về môi trường nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozon phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới đối với các dự án đầu tư FDI.

Theo đó, tiêu chí về suất đầu tư trên một diện tích đất cần được tập trung xây dựng nhằm góp phần loại bỏ ngay từ đầu các dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp nhưng sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí nguồn lực đất đai hiện đã trở nên khan hiếm, nhất là tại các thành phố lớn, trung tâm kinh tế của cả nước và tại cả các trung tâm kinh tế của các địa phương.

Ngoài ra là tiêu chí về an ninh quốc phòng, nhằm loại bỏ ngay từ đầu những dự án có nguy cơ xâm hại đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội, đến quốc phòng bằng các tiêu chí rõ ràng về lĩnh vực, ngành nghề không khuyến khích đầu tư, vùng và địa bàn không xem xét, tiếp nhận FDI.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - khẳng định: Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới.

Năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2030 sẽ thu hút các dự án FDI công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới. 

Bạn đang đọc bài viết "Sẵn sàng đón dòng FDI chất lượng cao" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#