Sáng 30/11: Đã điều trị khỏi hơn 974.700 bệnh nhân COVID-19; TP HCM làm gì để ứng phó với biến chủng Omicron?

Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam đã điều trị khỏi hơn 974.700 bệnh nhân COVID-19; TP HCM làm gì để ứng phó với biến chủng Omicron? Thêm gần 970.000 liều vaccine phòng COVID-19 Pfizer về Việt Nam; F0 ở nhiều tỉnh, thành miền Tây vẫn gia tăng

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.224.110 ca mắc COVID-19, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.419 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.218.886 ca, trong đó có 971.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (468.961), Bình Dương (281.605), Đồng Nai (86.732), Long An (38.161), Tiền Giang (27.901).

Đã điều trị khỏi hơn 974.700 bệnh nhân COVID-19

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 974.724 ca

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.413 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.284 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.254 ca; Thở máy không xâm lấn: 186 ca; Thở máy xâm lấn: 610 ca; ECMO: 12 ca

- Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 158 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.055 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 09/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 26.012.272 mẫu cho 68.108.275 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 120.644.108 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 70.958.765 liều, tiêm mũi 2 là 49.685.343 liều.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 401.316 trường hợp mắc COVID-19 và 4.709 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 262,2 triệu ca, trong đó trên 5,2 triệu người tử vong.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 42.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).

Các nước cũng ghi nhận trên 236 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 20 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 29/11, thế giới có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ "zero COVID-19" sang "sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình "bình thường mới" ở một số nước.

Là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 799.400 ca tử vong trong số hơn 49 triệu ca mắc, Mỹ từ ngày 29/11 áp đặt cấm nhập cảnh đối với những người từng đến Nam Phi và 7 quốc gia khác ở miền Nam châu Phi trong 14 ngày qua, ngoại trừ công dân Mỹ và thường trú nhân ở Mỹ.

Chính phủ Chile ngày 29/11 đã ban bố sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đến từ hoặc đã từng có mặt trong những ngày gần đây ở Nam Phi và 6 nước châu Phi khác nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron mới được phát hiện của virus SARS-CoV-2 lây lan vào quốc gia Nam Mỹ này.

Thêm gần 970.000 liều vaccine phòng COVID-19 Pfizer về Việt Nam

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam đã nhận được 969.930 liều vaccine Pfizer phòng COVID-19 do Chính phủ Pháp viện trợ thông qua Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vaccine phòng COVID-19 (COVAX) vào hôm qua, ngày 29/11.

Bên cạnh đó, một đợt viện trợ song phương bổ sung 400.000 liều vaccine của Chính phủ Pháp dự kiến sẽ được chuyển giao trong những ngày tới.

Việc viện trợ vaccine này đã được Thủ tướng Pháp Jean Castex công bố trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 3 - 5/11.

Chia sẻ vaccine COVID-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của Pháp, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery cho biết: "Tháng 4 năm ngoái, Pháp là quốc gia đầu tiên chia sẻ vaccine thông qua cơ chế COVAX và kể từ đó đã cam kết viện trợ 120 triệu liều vào giữa năm 2022. Việc tặng Việt Nam gần 1,4 triệu liều lần này cùng với 672.000 liều viện trợ cho Việt Nam vào tháng 9 nằm trong cam kết hỗ trợ này. Những hỗ trợ này phù hợp với sự hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực y tế".

TP HCM: Chuẩn bị phương án ứng phó với biến chủng Omicron

Trước những lo ngại của người dân về biến chủng COVID-19 mới, chiều 29/11, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM cho biết, Thành phố đã chuẩn bị các nội dung để ứng phó với biến chủng mới. Do đó, Thành phố đề nghị người dân không quá hoang mang nhưng cũng không được chủ quan, lơ là.

Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Y tế TP HCM thường xuyên theo dõi những chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế về biến chủng Omicron và báo ngay cho Thành phố.

Thành phố cần chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với Omicron; chẳng hạn như xây dựng bệnh viện dã chiến, chuẩn bị công tác chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế phường, xã và tăng cường tiêm vaccine.

Song song đó, Thành phố sẽ tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn nữa trên 3 nhóm, gồm phối hợp giữa hệ thống y tế công và y tế tư nhân, giữa đông y và tây y và phối hợp giữa quân y và dân y.

Theo ông Phạm Đức Hải, dù là biến chủng gì, virus SARS-CoV-2 cũng lây qua đường hô hấp nên một trong những điều phải thực hiện nghiêm đó là người dân phải chấp hành quy định đeo khẩu trang, mở rộng hơn là thực hiện 5K; trong đó giảm tối đa tụ tập, la cà.

Ca mắc COVID-19 ở miền Tây chưa giảm

Ngày 29/11, Cần Thơ ghi nhận 978 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Trong đó 40 ca xét nghiệm cộng đồng, 195 xét nghiệm tại cơ sở y tế, 39 ca trong khu cách ly, 59 ca trong khu phong tỏa và 642 ca cách ly tại nhà. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Cần Thơ từ ngày 8/7 đến nay là 25.266 ca, đã điều trị khỏi 12.184 người; 189 ca tử vong

Sóc Trăng ghi nhận 753 ca mắc COVID-19, trong đó số ca nhiễm qua truy vết, sàng lọc trong đó có 410 ca cộng đồng. Số ca cộng dồn 17.160, điều trị khỏi 10.728 ca; 102 ca tử vong

Đồng Tháp ghi nhận 608 ca mắc COVID-19 mới, trong đó, 178 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn là 21.480 ca. Số bệnh nhân đang điều trị 7.055 ca; 272 ca tử vong.

Các địa phương đang đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19

Vĩnh Long có 559 ca COVID-19 mới, trong đó 430 trường hợp cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 của tỉnh đến nay là 10.868 ca, điều trị khỏi 6.597 ca, 87 ca tử vong.

Trong ngày Bạc Liêu có 544 ca có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó 258 ca cộng đồng. Tổng số ca là 13.442, đã điều trị khỏi 8.208, số tử vong là 118 trường hợp.

Kiên Giang thêm 426 ca mắc COVID-19, trong đó 78 ca cộng đồng, 253 ca trong khu phong tỏa, 95 ca trong khu cách ly. Tổng số ca mắc cộng dồn 19.715, ca điều trị khỏi 16.151 ca; 34 ca tử vong.

Trà Vinh phát hiện 307 F0 mới, trong đó có 229 ca cộng đồng. Đến nay, tỉnh này đã ghi nhận 7.900 ca mắc COVID-19 (có 42 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi 2.969 trường hợp, có 46 trường hợp tử vong.

Bến Tre thêm 280 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có đến 266 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn của tỉnh là 7.355, ca điều trị khỏi 3.604; Số ca tử vong một, nâng số ca lên 65.

An Giang ghi nhận 294 ca mắc COVID-19, trong đó 205 ca cộng đồng.