Với sự phát triển của các loại hình giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán online ngày càng trở nên thuận tiện và phổ biến. Tuy nhiên, dù các ngân hàng công bố đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, vẫn xuất hiện tình trạng hệ thống bị quá tải khi lượng giao dịch tăng đột biến.
Tình trạng này lại tái diễn trong một vài ngày gần đây đối với app di động của một số ngân hàng thương mại, khi nhu cầu thanh toán của người dân tăng cao vào những ngày giáp Tết.
Theo phản ánh của chị T.N, một khách hàng của VietinBank tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, vào cuối giờ chiều 10/1 chị không thể thực hiện giao dịch chuyển tiền trên hệ thống Mobile Banking (VietinBank iPay) của ngân hàng này.
“Khi tôi đăng nhập app VietinBank iPay để giao dịch thì màn hình hiện lên thông báo “Số lượng khách hàng đang truy cập hệ thống tăng đột biến. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng đang giao dịch, tạm thời yêu cầu truy cập của khách hàng bị từ chối. Xin quý khách vui lòng thử lại sau trong giây lát”. Tình trạng này diễn ra không lâu, lát sau tôi thử lại thì có thể giao dịch được”, chị T.N cho biết.
Phóng viên đã liên hệ với đại diện truyền thông Ngân hàng VietinBank, sau hai ngày, câu trả lời vẫn là "đang chờ thông tin phản hồi từ bộ phận chuyên môn".
Mới đây nhất, nhiều khách hàng của một ngân hàng khác cũng phản ánh không thể thực hiện chuyển tiền nhanh do "ngân hàng không thể tiếp nhận giao dịch theo hình thức chuyển tiền nhanh tại thời điểm này", một số khác thì nhận được thông báo "hệ thống đang bảo trì".
Chị N.T.H, một khách hàng của ngân hàng này cho biết, trong buổi sáng 12/1, dù chị nhiều lần cố gắng nhưng vẫn không thể thực hiện chuyển khoản số tiền 30 triệu đồng cho đối tác. Vì cần chuyển tiền gấp nên chị đành cất công ra giao dịch tại quầy.
Ngày 9/1, khách hàng của Ngân hàng Tiên phong (TPBank) phản ánh việc không thể đăng nhập tài khoản để thực hiện chuyển tiền do hệ thống báo lỗi.
Trao đổi với PV, đại diện bộ phận truyền thông Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam, (Napas) cho hay, nhu cầu giao dịch chuyển tiền online của người dân vào dịp giáp Tết Nguyên đán năm nay cao hơn so với năm ngoái.
Thời điểm này năm ngoái, Napas ghi nhận lượng giao dịch lên tới 15-16 triệu giao dịch mỗi ngày.
Hệ thống của Napas vẫn đảm bảo thông suốt các dịch vụ thanh toán thông qua thẻ, tài khoản ngân hàng, QR code, Mobile Money... ngay cả khi lượng giao dịch trong ngày lớn gấp 3 lần hiện tại.
“Mặc dù các ngân hàng liên tục đầu tư nâng cấp hệ thống, song cũng chưa thể tránh được việc một vài ngân hàng bị quá tải dẫn đến khách hàng không thực hiện được giao dịch trong giây lát. Tuy nhiên, các ngân hàng đều có bộ phận kỹ thuật xử lý tình trạng tắc nghẽn nhanh chóng ngay sau đó”, đại diện truyền thông NAPAS cho biết.
Để tạo thuận lợi cho người dân, việc phát triển nhanh hệ thống giao dịch không dùng tiền mặt được xem là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, việc một số ngân hàng để xảy ra tình trạng “nghẽn mạng” chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng, nhất là khi người dân đã quen với việc dùng điện thoại thông minh để chuyển khoản, quét mã QR ngay cả với những giao dịch nhỏ như mua mớ rau, con cá ngoài chợ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.
Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên, chủ động theo dõi, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.