Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, đề xuất cho F0, F1 là phù hợp trong bối cảnh hiện tại khi lây lan đã quá nhiều.
Bác sĩ Vân Anh lấy ví dụ, với ngành y tế, F0 đi làm là chuyện đã diễn ra ngay trong mùa dịch.
"Khi nhân viên y tế là F0, không có triệu chứng, đủ sức khỏe, chúng tôi vẫn bố trí làm việc trong khu điều trị Covid-19. Nếu như khi đó ai mắc Covid-19 cũng nghỉ việc thì sẽ vô cùng thiếu người, không thể nào chăm sóc được bệnh nhân F0. Công việc vô cùng nhiều.
Do đó, chuyện F0 đi làm với ngành y không phải là xa lạ".
Trong cao điểm dịch, nhân viên y tế mắc Covid-19 vẫn phải làm việc chăm sóc cho F0.
Bên cạnh đó, trong trường hợp thân nhân cũng mắc Covid-19, một số bệnh viện sẽ tạo điều kiện được vào chăm sóc F0.
Ví dụ như tại Khoa Covid-19 của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP.HCM, có thời điểm gần 50% bệnh nhân là người lớn đi kèm chăm con F0. Các bác sĩ sẽ điều trị cho cả người lớn nếu có triệu chứng, mệt mỏi.
“Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, phải phù hợp với từng ngành nghề, từng điều kiện làm việc của F0”.
Bác sĩ Vân Anh ví dụ, nếu người mắc Covid-19 không mệt mỏi, công việc cho phép làm trực tuyến, từ xa thì "work for home" là chuyện bình thường.
“Đây là mặt tích cực vì người bệnh không bị ảnh hưởng đến ngày công, thu nhập và năng suất công việc. Nếu áp dụng đại trà thì không ổn vì đây là bệnh lây lan rất nhanh”.
Trong khi đó, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ, đây không phải là thời điểm lo sợ.
“Hiện nay, chúng ta có đầy đủ vắc xin, thuốc điều trị phân phối từ trạm y tế, bệnh viện, nhà thuốc, các bệnh viện không còn bị quá tải. Chúng ta đã chủ động, vậy quá lo sợ điều gì?
Thứ hai, vì lượng F0 hiện nay quá lớn, nếu F0 nghỉ làm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung, năng suất lao động. Vì vậy, theo tôi, F0, F1 đi làm là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực hiện tốt 5K”.
Cả 2 chuyên gia trên đều lưu ý cần chú trọng đến tình huống đặc biệt, khó có thể áp dụng đại trà. Đặc biệt như nơi có nhiều người nguy cơ thì không thể áp dụng.
PGS Phúc ví dụ như tại khoa Tim mạch trẻ em, nếu nhân viên y tế mắc Covid-19 bắt buộc phải nghỉ theo quy định. Vì tại đây, trẻ em mắc bệnh tim mạch, tim bẩm sinh, yếu ớt, nếu không may bị lây Covid-19 từ người lớn sẽ rất nguy hiểm.
Do đó, có 2 điều kiện cơ bản để F0 đi làm bình thường là đủ sức khỏe và 5K.
Tương tự, nếu cứng nhắc để F1 nghỉ như trước đây sẽ càng thiếu hụt lao động nghiêm trọng và không cần thiết. Trong bối cảnh F0 tràn lan như hiện nay, ai cũng có thể là F1. Nhất là các F1 nguy cơ thấp, không tiếp xúc gần và lâu với F0, hoàn toàn có thể đi làm trực tiếp.
Yêu cầu quan trọng là từng cơ quan, công sở, doanh nghiệp phải có hướng dẫn cụ thể cho người lao động áp dụng.
Dù F0 đi làm hay không, thói quen 5K cũng cần duy trì nghiêm túc.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù F0 hay F1 đi làm vẫn phải áp dụng chặt chẽ quy định 5K và tiêm vắc xin đầy đủ. Thói quen sinh hoạt cần duy trì như đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc gần và tập trung đông người.
Đặc biệt là việc tiêm vắc xin đầy đủ sẽ giảm được nguy cơ chuyển nặng nếu mắc bệnh và hạn chế khả năng xâm nhập vào phổi của virus. Nói một cách khác, tiêm vắc xin Covid-19 sẽ giúp người dân tự tin hơn khi tham gia lao động, vui chơi, sinh hoạt.
“Ngay cả khi Covid-19 được xem là bệnh lưu hành, chúng ta cũng cần thay đổi, điều chỉnh thói quen hàng ngày. Đây là cách bảo vệ mình”. Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh cũng cảnh báo tâm lý "mắc bệnh cho xong" là cực kỳ nguy hiểm. Dù người bệnh có thể trải qua thời kỳ F0 nhẹ nhàng nhưng hậu Covid-19 ra sao, chưa ai biết trước.
“Hiện nay, SARS-CoV-2 có tần suất đột biến quá nhanh với nhiều biến thể mới. Y khoa cũng chưa biết rõ biến thể mới sẽ tiếp tục như thế nào, có gây bệnh nặng hơn biến thể cũ hay không. Vì thế tốt nhất phải giữ cho mình và mọi người không mắc bệnh”.