SeABank mua 300 tỷ đồng trái phiếu Bất động sản Tiến Phước

Tiến Phước được biết đến với loạt dự án chỉ định ở Quận 2, trong đó có không ít được thực hiện dưới dạng BT.
mat-bang-du-an-empire-city-thu-thiem-01-3

Phối cảnh siêu dự án Empire City tại KĐT Thủ Thiêm

CTCP Bất động sản Tiến Phước vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, doanh nghiệp địa ốc này đã phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu cho SeABank (300 tỷ đồng) và 1 cá nhân (50 tỷ đồng) vào ngày 25/6 vừa qua.

Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất năm đầu tiên là 11%/năm. Lãi suất năm thứ hai trở đi bằng lãi bình quân tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank và SeABank cộng biên độ 3,5%/năm.

Đại lý phát hành là CTCP Chứng khoán Asean, đại lý quản lý tài sản bảo đảm là SeABank. Tiến Phước không công bố đã thế chấp gì cho lô trái phiếu trên, dù vậy dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện 300 tỷ đồng được đảm bảo bởi toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 101/HĐ/TP-MM ngày 6/5/2019 giữa CTCP BĐS Tiến Phước và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ về việc thực hiện dự án Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tại 199 Nguyễn Hoàng, Phường An Phú, Quận 2, TP.HCM.

Trong cùng ngày 25/6, vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thành Lập cũng đã thế chấp 98,9 triệu cổ phần Tiến Phước, tương đương gần 1.000 tỷ đồng theo mệnh giá tại SeABank.

BĐS Tiến Phước được thành lập vào đầu thập niên 90, là lứa doanh nghiệp địa ốc tư nhân đầu tiên cùng thời kỳ với Vạn Thịnh Phát và Nam Long. Tập đoàn nay có vốn điều lệ 2.018 tỷ đồng được biết đến nhiều với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Thành Lập.

Gia đình Chủ tịch sinh năm 1950 hiện nắm trọn vẹn 100% vốn Tiến Phước. Trong khi đó Công ty TNHH Thương Mại - Dịch vụ Mỹ Mỹ thuộc nhánh đầu tư y tế của Tiến Phước Group, do bà Nguyễn Cửu Thị Kim Chi - phu nhân của ông Nguyễn Thành Lập trực tiếp đảm trách.

Sau gần 3 thập kỷ phát triển, Tiến Phước là tên tuổi có "số má" trong làng bất động sản Sài Gòn, với loạt dự án ghi dấu ấn như Khách sạn Le Meridien tại 3C Tôn Đức Thắng (Quận 1), Khu dân cư Long Trường (Quận 9), Khu dân cư Senturia Vườn Lài 9,8ha (Quận 12), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn 19,8ha (huyện Bình Chánh).

Tuy nhiên "cứ địa" của Tiến Phước phải là khu vực Quận 2, nơi doanh nghiệp của ông Nguyễn Thành Lập bắt đầu nổi lên từ 18 căn biệt thự cao cấp Greenfiled tại phường Bình An, sau đó là liên doanh với Keppel Land của Singapore thực hiện tổ hợp cao cấp The Estella quy mô 1.500 căn hộ mặt tiền Xa lộ Hà Nội.

Tiến Phước cũng được biết đến nhiều với vai trò của một "ông trùm" trong các dự án BT khi được chỉ định loạt dự án lớn tại Quận 2, như hợp tác với Keppel Land và Bất động sản Trần Thái thành lập Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc triển khai dự án 1.844 căn hộ tái định cư An Phú - Bình Khánh thuộc Khu tái định cư Thủ Thiêm, đổi lại, Nam Rạch Chiếc được TP.HCM đối ứng 30,2ha đất nằm dọc theo bờ sông Giồng Ông Tố và Mương Kinh mà nay được giới thiệu là dự án Palm City Quận 2; ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến trường hợp Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương - công ty con 84% vốn của Tiến Phước được chỉ định 14,8ha đất ở phường An Phú (Quận 2) để đối ứng thanh toán cho hợp đồng BT Dự án nút giao An Phú.

Đáng chú ý nhất, phải kể đến trường hợp UBND TP.HCM năm 2015 chỉ định liên doanh Tiến Phước - Trần Thái - Gaw Capital thực hiện siêu dự án Empire City quy mô 26.000 tỷ đồng trên lô đất 2B Khu đô thị Thủ Thiêm. Dự án có điểm nhấn là toà nhà 86 tầng cao nhất Việt Nam ban đầu có cơ cấu nhà đầu tư 25:25:50 với một nửa phần vốn do nhà đầu tư ngoại Gaw Capital đảm trách. Tháng 4/2016, không lâu sau khi được cấp phép đầu tư, cả Trần Thái lẫn Tiến Phước giảm mạnh tỷ lệ sở hữu về 15%, trong khi đối tác quen mặt - Keppel Land thông qua Corredan CE PTE bất ngờ chiếm tới 40% dự án, tỷ lệ của Gaw cũng giảm về còn 30%. Tổ hợp tài chính quy mô 1,2 tỷ USD từ đó chính thức về tay nhà đầu tư ngoại.

Trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại KĐT Thủ Thiêm được công bố vừa qua, cơ quan thanh tra chỉ rõ dự án Khu phức hợp Tháp quan sát (Empire City) được UBND TP.HCM chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, UBND TP.HCM đã tính và thu tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, trong đó việc xác định tiền sử dụng đất với đơn giá 26 triệu đồng/m2 (bằng chi phí đầu tư bình quân) là không đúng quy định, cần phải được xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước.