Siêu bão áp sát Nhật Bản, gần 3 triệu người được kêu gọi sơ tán

Siêu bão Nanmadol dự kiến sẽ đổ bộ đảo Kyushu vào tối 18/9 sau khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo về 'những trận gió và sóng cao chưa từng thấy'.

Theo JMA, Nanmadol là cơn bão thứ 14 trong mùa bão năm nay, được trung tâm cảnh báo của Hải quân Mỹ xếp vào loại siêu bão, có thể mang đến lượng mưa kỷ lục, khiến nước sông tràn bờ và sạt lở đất.

Khu vực phía Nam Kyushu có thể hứng chịu lượng mưa lên tới 500mm, gió giật 250km/giờ, trong khi lượng mưa ở khu vực Tokai có thể lên tới 300mm.

“Cần thận trọng tối đa”, Ryuta Kurora, người đứng đầu bộ phận dự báo của JMA cho biết hôm thứ Bảy. "Đó là một cơn bão rất nguy hiểm. Gió có thể dữ dội đến mức khiến nhà bị sập.”

Để đảm bảo an toàn, dịch vụ xe lửa và tàu phà trong khu vực đã tạm dừng hoạt động. 510 chuyến bay đã bị hủy. Chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven cũng tạm thời đóng cửa khoảng 950 cửa hàng.

Đến sáng 18/9, 25.680 hộ gia đình ở Kagoshima và tỉnh Miyazaki lân cận đã bị mất điện.

Khoảng 2,9 triệu cư dân ở Kyushu đã được khuyến cáo nên sơ tán. Các quan chức Kagoshima cho biết hơn 8.500 người hiện đã đến nơi trú ẩn tạm thời.

“Người dân xin vui lòng di chuyển đến những tòa nhà kiên cố trước khi gió trở nên dữ dội. Ngay cả khi ở trong các tòa nhà kiên cố, mọi người cũng nên tránh xa cửa sổ”, ông Kurora nói.

Vào lúc 11 giờ sáng nay, bão Nanmadol cách đảo Yakushima của Nhật Bản 80 km về phía Đông Nam. Nhưng ở Kagoshima, mưa lớn đã bắt đầu xuất hiện. “Mưa to đến mức bạn không thể nhìn thấy gì. Mọi thứ trông trắng xóa”, một quan chức địa phương nói.

Bão Nanmadol ngày 18/9. Ảnh: Bloomberg

Bão Nanmadol ngày 18/9. Ảnh: Bloomberg

Cơn bão được dự báo sẽ đi theo hướng Đông, qua đảo chính Honshu của Nhật Bản vào đầu tuần tới trước khi di chuyển ra biển vào thứ Tư.

Nhật Bản hiện đang trong mùa bão và phải đối mặt với khoảng 20 cơn bão như vậy mỗi năm. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các cơn bão và khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nóng bức, hạn hán, lũ quét trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.