Dù dịch bệnh căng thẳng nhưng nhu cầu mua - bán vàng vẫn tăng khi giá vàng lập mốc kỷ lục trong lịch sử 74 triệu đồng/lượng.
Giá vàng ở thị trường trong nước "loạn giá" đối với vàng SJC khiến các doanh nghiệp liên tục cập nhật giá mới theo từng giờ. Vào lúc 17 giờ 21 phút chiều 7/3, tại hệ thống Doji Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng SJC giao dịch 71 – 74 triệu đồng/lượng. So với phiên trước, giá SJC mua vào tăng từ 3 - 3,75 triệu đồng/lượng và giá bán ra tăng từ 4,2 - 4,5 triệu đồng/lượng.
Tại hệ thống Phú Quý, giá vàng giao dịch 71 - 73,2 triêu đồng/lượng, tăng 3 triệu đồng/lượng mua vào và 3,9 triệu đồng/lượng giá bán ra so với phiên trước. Còn ở hệ thống SJC Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, giá SJC giao dịch là 71,7 - 73,5 triệu đồng/lượng, tăng 3,7 triệu đồng/lượng mua vào và 4,5 triệu đồng/lượng bán ra so với phiên ngày 6/3.
Vàng PNJ giao dịch trong phiên chiều 7/3 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng 550.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, giao dịch 55,85 – 56,75 triệu đồng/lượng.
Khách hàng phải xếp hàng chờ đợi mới mua được vàng miếng.
Giá vàng SJC mua vào và bán ra tại Maritime Bank là 68,10 – 70,40 triệu đồng/lượng, tăng 1,44 triệu đồng/lượng mua vào và 2,3 triệu đồng/lượng bán ra so với phiên trước. Tại ngân hàng Eximbank, giá vàng mua vào 71,6 triệu đồng/lượng, bán ra 72,9 triệu đồng/lượng, trong khi TPBank bán ra 73 triệu đồng/lượng vàng SJC, mua vào là 70 triệu đồng/lượng. Như vậy, biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC được đẩy cao nhất lên tới 3 triệu đồng/lượng.
Khách hàng ngỡ ngàng khi giá vàng SJC liên tục lập đỉnh trong những ngày qua.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, giá vàng SJC đang tăng “phi lý” vì giá hiện tại không chỉ bỏ xa giá vàng thế giới mà còn cao hơn rất nhiều so với giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K. Trong vòng một tuần qua, giá vàng trang sức chỉ tăng thêm khoảng 1,7 triệu đồng/lượng trong khi vàng SJC tăng tới 7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng dựng đứng khiến dòng người đổ về con phố Trần Nhân Tông tăng mạnh. Nếu như tại cơ sở vàng Phú Quý, lượng khách tới mua, bán chỉ sôi động hơn so với những ngày trước thì 2 cơ sở của Bảo Tín Minh Châu, khách hàng phải xếp hàng chờ đợi khá lâu để mua – bán vàng.
Một khách hàng mua vàng trang sức tặng người thân nhân dịp 8/3.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 7/3, anh Nguyễn Hữu Thuyết – đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết: “Giá vàng thế giới hiện giao dịch gần 2.000 USD/ounce khiến vàng trong nước biến động theo. Đầu giờ chiều 7/3, giá vàng SJC tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với phiên trước và biến động theo từng giờ. Lượng khách tới mua, bán vàng tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu tăng 40 – 50% so với tuần trước với lượng khách mua vào chiếm 60%”.
Cơ sở kinh doanh vàng Phú Quý nhộn nhịp khách ra vào.
Theo anh Nguyễn Hữu Thuyết, giá vàng tăng mạnh do xung đột vũ trang Nga -Ukraine khiến cho nhiều người có nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn có giá trị cao. Bên cạnh đó, một hệ lụy khác của xung đột này là khiến giá dầu thế giới leo thang chóng mặt, gây áp lực lạm phát lớn trên toàn cầu. Điều này càng có lợi cho giá vàng vì vàng là kênh đầu tư được ưa chuộng để chống lại sự mất giá của tiền giấy. “Nhân dịp 8/3, một số người dân cũng tới mua nửa chỉ, một chỉ vàng để làm quà cho người thân khiến lượng khách tới giao dịch vàng trở nên sôi động hơn”, đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết.
Cửa hàng Doji trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội vắng khách dù giá vàng tăng kỷ lục.
Hiện giá vàng thế giới và trong nước ghi nhận biến động liên tục, đặc biệt chênh lệnh giá giữa 2 thị trường có lúc lên tới hơn 18 triệu đồng/lượng. Người mua vàng sẽ là đối tượng đầu tiên và trực tiếp chịu lỗ từ mức chênh lệch này. Do vậy, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thị trường vàng thời điểm này đầy rủi ro, phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới, giá đồng USD, giá dầu và lạm phát. Giá vàng trong nước và thế giới có biên độ rất lớn 17,37 triệu đồng/lượng, mức độ điều chỉnh có thể sẽ rất lớn, gây nhiều rủi ro mua vàng.
Trên thế giới trong ngày 7/3, giá vàng giao dịch ở ngưỡng 1.999 USD/ounce (cộng thêm gần 3 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên trước.) Khi quy đổi, đồng kim loại quý này tương đương 55,34 triệu đồng mỗi lượng (thấp hơn thương hiệu SJC khoảng 18,6 triệu đồng/lượng).