Soi lùm xùm trong bức tranh tài chính My Way Group

My Way Group là Tập đoàn tư nhân có gốc gác ở Quảng Ninh, hoạt động chính trong lĩnh vực nhà hàng, bất động sản, với nhiều doanh nghiệp thành viên.

Khoản nợ khủng của khách sạn My Way Hạ Long

Tính đến tháng 8/2020, ông Vũ Duy Thành là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm và Dịch vụ My Way - đơn vị điều hành và quản lý chuỗi nhà hàng mang thương hiệu My Way, trong khi ông Đỗ Vũ Diên là cổ đông sáng lập.

Trong hệ sinh thái My Way Group của đại gia Đỗ Vũ Diên, nổi bật nhất là Công ty CP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long (My Way Hạ Long), chủ đầu tư dự án xây dựng khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở kết hợp phố mua sắm - Times Garden Hạ Long tại TP.Hạ Long.

phoi-canh-du-an-khach-san-ha-long-bay-1656666415.jpg
 Phối cảnh dự án Khách sạn Hạ Long Bay. (Ảnh Báo Đấu thầu).

Được biết, My Way Hạ Long thành lập vào năm 2014 với số vốn 36,8 tỷ đồng. Ban đầu, cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Khách sạn và Nghỉ dưỡng My Way với 18,4 tỷ đồng, ông Trần Đình Lâm với 12,88 tỷ đồng và ông Lê Quốc Hưng với 5,52 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2020, tài sản của My Way Hạ Long đứng ở mức 2.116 tỷ đồng, chủ yếu cấu thành từ nợ phải trả với 1.744 tỷ đồng, gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài cấu trúc tài chính nặng nợ, kết quả kinh doanh của chủ dự án Times Garden Hạ Long cũng rất ảm đạm, với khoản lãi hàng năm vô cùng mỏng manh, mấp mé bờ vực thua lỗ.

Xét riêng năm 2019-2020, doanh thu của My Way Hạ Long đạt 92,8 tỷ đồng và 2,9 tỷ đồng, tương ứng với đó lợi nhuận sau thuế đạt 1,4 tỷ đồng và 36,3 triệu đồng, cho thấy lợi nhuận/doanh thu bình quân là 1,4%, tức chỉ lãi trên 1 đồng cho mỗi 100 đồng thu được.

Như vậy, điểm chung của My Way Hạ Long và các thành viên khác thuộc My Way Group đều là sử dụng đòn bẩy cao và kinh doanh èo uột.

Trong hệ sinh thái của My Way Group, Công ty CP Vườn Thời Đại Việt Nam (Vườn Thời Đại) có trụ sở tại dự án Times Garden Hạ Long, thành lập tháng 3/2015, vốn điều lệ 425 tỷ đồng, cũng do ông Đỗ Vũ Diên nắm giữ 93,75% và ông Vũ Duy Thành 5,25% cổ phần.

Lùm xùm khoản nợ xấu 800 tỷ đồng

Theo VietnamFinance, đại gia Đỗ Vũ Diên là nhân tố quan trọng đứng sau sự phát triển Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD), chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc (tên thương mại Heron Lake Golf Course) và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc (Times Garden Vĩnh Yên Residences), tỉnh Vĩnh Phúc.

cong-ty-cp-dau-tu-va-khach-san-my-way-ha-long-trong-he-sinh-thai-my-way-group-1656666485.jpg
Trong hệ sinh thái My Way Group của đại gia Đỗ Vũ Diên, nổi bật nhất là Công ty CP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long. 

Mới đây, OceanBank phát đi thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ xấu hơn 800 tỷ đồng của CUD, với tài sản thế chấp là dự án sân golf Đầm Vạc và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, gắn liền với diện tích đất 503.200m2 thuộc quyền sử dụng doanh nghiệp trong thời hạn đến ngày 3/2/2054.

 

Việc OceanBank rao bán khoản nợ xấu này đã tiết lộ sự "chây ì" của CUD, khi nợ gốc chỉ ở mức 229,8 tỷ đồng nhưng tổng tiền lãi và phạt chậm nộp lên tới 578 tỷ đồng, gấp hơn hai lần. Được biết, khoản nợ xấu của CUD tại OceanBank phát sinh theo hợp đồng tín dụng hạn mức số 01.01/099/HDTD-OJB ngày 7/8/2007, như vậy nhiều khả năng CUD đã "quên" thực hiện nghĩa vụ nợ đến hạn từ chục năm về trước.

Cũng theo VietnamFinance, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự "chây ì" của CUD là do năng lực tài chính rất èo uột. Doanh nghiệp thành lập từ năm 2004, nhưng đến tận năm 2018 mới phát sinh khoản doanh thu kha khá với 53,5 tỷ đồng, và ngay lập tức giảm còn 17,7 tỷ đồng ở năm 2019. Giai đoạn này, CUD báo lỗ 14,7 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng.

Điểm lạ ở chỗ, năm 2020, bất chấp tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của CUD bất ngờ "nhảy dựng", tăng gấp 30 lần năm trước, lên 530 tỷ đồng, nhưng đáng nói là doanh nghiệp vẫn không cải thiện được tình trạng thua lỗ liên tiếp, thậm chí còn lỗ nặng nhất lịch sử hoạt động với hơn 28,4 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, nợ phải trả của CUD cũng liên tục "phình to" suốt cả giai đoạn 2016 - 2020, từ 1.071 tỷ đồng lên đến 2.196 tỷ đồng. Đáng lo ngại hơn nữa, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh mất sạch vốn chủ sở hữu vào năm 2020, đồng thời âm thêm hơn 30 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ ở mức 110 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty CP Khu nghỉ dưỡng và Sân golf Đầm Vạc (Công ty Đầm Vạc), pháp nhân được giới chủ CUD sử dụng các tài sản là sân golf để góp vốn, sau đó hoán đối cổ phần với mục đích vận hành, quản lý khai thác phần sân golf của dự án từ năm 2011, cũng có bức tranh tài chính kém sắc. Tình hình làm ăn cũng liên tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu dần bị "ăn mòn" đến cuối năm 2020 chỉ còn 206,6 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư chủ sở hữu là gần 392 tỷ đồng.

Cổ đông lớn nhất của CUD và Công ty Đầm Vạc là Công ty CP Tài chính và Đầu tư Gia Phát (Công ty Gia Phát), duy trì tỷ lệ sở hữu ở mức trên 40% vốn điều lệ. Tổng giám đốc Công ty Đầm Vạc Vũ Duy Thành (1965) từng góp mặt trong danh sách sáng lập của Công ty Gia Phát, nơi mà ông Đỗ Vũ Đạt (1984), em trai ông Đỗ Vũ Diên vừa nhận ghế Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật từ ông Trần Đình Lâm (1972) vào tháng 3/2022…