Spa “chui” tung hoành, dẹp mãi không hết: Chẳng lẽ “bó tay”?

Lóa mắt trước lợi nhuận, các chủ spa, cơ sở làm đẹp dù không có giấy phép vẫn bất chấp sức khỏe, tính mạng của khách hàng để can thiệp dao kéo, tiêm filler…Và người gánh hậu quả đau đớn, thậm chí bỏ mạng chính là những “thượng đế” nhẹ dạ cả tin.

Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam xảy ra 25.000-35.000 ca biến chứng thẩm mỹ, phổ biến nhất là biến chứng do tiêm filler. Hầu hết các ca biến chứng thẩm mỹ đều đến từ các spa, cơ sở thẩm mỹ hoạt động chui.

Thực chất, Spa là viết tắt “Salus per aquam” (trị liệu bằng nước). Đây là dịch vụ trọn gói giúp con người thư giãn, giảm stress từ nguyên liệu nguồn gốc thiên nhiên như thảo dược, thuốc bắc, nam.

Tuy nhiên, tại Việt Nam các spa ngày càng biến tướng, núp dưới những cái tên mỹ miều ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ nhấn mi, nâng mí mắt, bơm môi, tiêm filler, botox, tạo má lúm đồng tiền, tạo môi trái tim, phun xăm, tiêm truyền trắng da... Thậm chí còn kiêm luôn dịch vụ thu ngọn âm đạo, thu nhỏ quầng vú....

Không chỉ đánh vào tâm lý sính ngoại công nghệ, mỹ phẩm Nhật, Hàn, Pháp... các spa còn đánh vào nhu cầu làm đẹp “cấp tốc” với mức giá rẻ với hàng loạt chiêu độc như giảm giá giờ vàng, ngày vàng, tuần lễ vàng, sinh nhật… Toàn những chiêu tung là dính, bảo sao “thượng đế” khó có thể chối từ.

Liều làm đẹp, “thượng đế” suýt "đứt cổ", mù mắt

Chỉ vì tin vào cam kết miệng cũng như bảo hành trọn đời, “ngon-bổ-rẻ” từ các cơ sở làm đẹp, spa mập mờ từ tên gọi mà nhiều “thượng đế” đã phải ôm hận muộn màng. Thậm chí có trường hợp bị ám ảnh, muốn chết sau khi làm đẹp.

Mới đây, một bệnh viện thẩm mỹ tại TPHCM đã tiếp nhận cô gái tên T. (25 tuổi) sau khi đi làm đẹp vùng nọng cằm tại cơ sở làm đẹp, cổ bị hoại tử lan rộng, ăn sâu vào khí quản tạo thành vết cắt dài đến 15cm gần quai động mạch chủ khiến việc phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn.

spa-chui-tung-hoanh-dep-mai-khong-het-chang-le-bo-tay-1663369794.jpg
Tiêm chất tan mỡ vùng nọng cằm khiến cô gái đau khổ nhiều tháng. Ảnh: BVCC

 

Theo lời kể, khoảng 4 tháng trước thấy quảng cáo hấp dẫn trên mạng, chị T. đã đi tiêm tan mỡ nọng cằm tại một cơ sở thẩm mỹ trôi nổi. Một tuần sau, vết tiêm ở cổ bắt đầu sưng tấy và nổi mủ. Khi chị T. thông báo tình trạng, các thợ làm đẹp tại thẩm mỹ viện lại cho rằng: do chất tiêm vào người khách hàng "chưa tan hết " nên mới đóng cục là bình thường.

Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng hơn khi chị T. bắt đầu bị sốt, khối phù nề lan ra khắp vùng cổ, những đốm mủ sưng to làm vùng cằm biến dạng và bị xệ xuống. Chị T. vội đi khám thì được chẩn đoán nhiễm trùng hình thành áp xe do tiêm tạp chất. Dù chạy chữa khắp nơi nhưng vết thương vẫn tái phát khiến chị T. ám ảnh, không muốn sống.

Chia sẻ với phóng viên, bà T.N.D (Đồng Nai) bức xúc: “Tôi đi massage mặt tại Trung tâm chăm sóc sắc đẹp T.H (Biên Hoà, Đồng Nai) lại được chủ spa mời chào cắt da thừa mí mắt. Tôi thoả thuận chỉ cắt da mí dưới, nhưng khi lên bàn mổ thì chủ spa lại tư vấn “thôi đằng nào cũng làm thì làm luôn mí trên, phí tổng là 15 triệu đồng”.

Quá trình cắt da mí mắt kéo dài suốt từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối. Cô H. chủ cơ sở này vừa cắt mí vừa nói chuyện điện thoại, rồi đi ra ngoài, ăn cơm... Khu vực thực hiện tiểu phẫu không đảm bảo sạch sẽ, mọi người đi lại, nói chuyện, người ra người vào thoải mái. Đêm hôm đó,  hai con mắt  của tôi buốt như muốn nổ tung, 3 – 4 ngày tôi không ngủ được. Đến nay đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày tôi đi cắt bỏ da thừa mí mắt, tôi ở trong nhà suốt không dám ra đường, và cũng không thể chạy được xe máy do mắt bị mờ nhiều. Tôi đã đi tới 4 cơ sở y tế để hỏi bệnh và điều trị, nhưng hiện giờ mắt vẫn bị đỏ ở khoé, thỉnh thoảng lại đau và chảy nước mắt sống, thị lực giảm thấy rõ”.

Spa “chui” tung hoanh, dep mai khong het: Chang le “bo tay”?-Hinh-2
Môi nữ bệnh nhân bị sưng phù sau tiêm filler. Ảnh: LAN ANH 

Còn trường hợp chị L.N.H.T (25 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) được chẩn đoán nhiễm trùng cấp sau khi sau khi tiêm filler căng mọng môi. Chị H.T. đã chi 3,5 triệu đồng tiêm filler xóa nhăn cho môi tại spa. Nhưng ngay sau lúc tiêm thì môi chị bị phù nề nhẹ, hơi đau nhức. Có báo spa thì được phản hồi “tình trạng bình thường sau tiêm filler”. Sau 3 ngày, môi chị H.T. vẫn căng cứng và phù nề nhiều hơn nên chị mua thuốc giảm sưng đau về uống nhưng tình trạng không cải thiện.

Chẳng lẽ bó tay để spa tự tung tự tác?

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Đỗ Quang Hùng - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM cho biết, hiện TPHCM có hơn 10 bệnh viện và hơn 200 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép, nhưng theo thống kê sơ bộ, lại có trên 5.000 cơ sở nhận phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Thực tế, thị trường làm đẹp hiện nay "vàng thau lẫn lộn". Hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ  quảng cáo trên mạng như cái chợ, ai cũng có thể trở thành chuyên gia làm đẹp với đủ thứ "tư vấn".

“Rất nhiều ca biến chứng khủng khiếp mà tôi từng gặp và xử trí do bơm silicon lỏng, tiêm filer, tiêm tan mỡ, cắt mí mắt, lấy mỡ bọng mắt... một cách vô tội vạ, cuối cùng bị biến chứng nhiễm trùng làm hủy hoại nhiều bộ phận của cơ thể. Việc cắt mí thực hiện ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì 6 triệu đồng, các phòng khám mạo danh quảng cáo khuyến mãi giá rẻ chỉ 3 - 4 triệu đồng. Nhưng khi đã dụ được khách lên bàn mổ thì bắt đầu tung chiêu trò mồi chài để moi thêm” PGS.TS Đỗ Quang Hùng chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Văn Lập đoàn luật sư TPHCM cho biết, căn cứ điểm đ khoản 6, điểm c khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ sở thẩm mỹ: việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trái phép có thể bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối Công ty TNHH Keangnam Korea (Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ - Địa chỉ: 394 - 396 Cao Thắng, phường 12, Quận 10) số tiền 45 triệu đồng; cơ sở Gà Spa tại Chi nhánh 2  (địa chỉ số 1 đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức số tiền 160 triệu đồng; phạt hơn 118 triệu, đình chỉ hoạt động 18 tháng hộ kinh doanh Adona Spa tại quận Gò Vấp... vì không có giấy phép hoạt động, quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh vượt phạm vi hoạt động được cấp phép, sử dụng thuốc hết hạn, không niêm yết giá dịch vụ…

Mặc dù tháng nào ngành chức năng cũng kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh làm đẹp, spa, TMV nhưng tại sao sự bát nháo trong hoạt động của dịch vụ này vẫn diễn ra và ngày càng tinh vi?

Nhìn từ các ca tai biến y khoa do làm đẹp ở những cơ sở “chui” vừa qua, nhiều câu hỏi đặt ra, phải chăng mức chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, đủ nghiêm để răn đe? Hay lợi nhuận một vốn trăm lời từ dịch vụ này khiến các chủ spa không “chùn tay”, chấp nhận bị phạt? Sự kết hợp giám sát quản lý liên cấp, liên ngành còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm?