Tài sản ông Hồ Hùng Anh bốc hơi tỷ USD, mất vị trí số 1 ngành ngân hàng

Nhiều tỷ phú ngành ngân hàng chứng kiến tài sản giảm nghìn tỷ. Tỷ phú Hồ Hùng Anh bốc hơi tỷ USD và rớt hạng nhanh chóng khi giá cổ phiếu Techcombank giảm thêm sau những tin xấu về trái phiếu và bất động sản.

Trong phiên giao dịch 10/10, cổ phiếu Techcombank (TCB) tiếp tục suy giảm thêm hơn 5,3% xuống đáy mới kể từ cuối năm 2020, ở mức: 25.800 đồng/cp, giảm hơn 50% so với đỉnh ghi nhận ở mức 56.000 đồng/cp hồi cuối tháng 11/2021.

Như vậy, sau khi trụ khá vững trong giai đoạn thị trường chứng khoán chung giảm mạnh từ đầu tháng 4/2022 cho tới cuối tháng 8/2022, cổ phiếu Techcombank của chủ tịch Hồ Hùng Anh đã giảm mạnh.

Tính đến ngày 18/4, theo Forbes, tài sản của ông Hồ Hùng Anh còn 2,4 tỷ USD sau khi cổ phiếu Techcombank giảm khoảng 20% so với đỉnh hồi đầu tháng 2/2022. Tài sản của ông Hùng Anh tính đến 10/10 chỉ còn 1,4 tỷ USD.

Như vậy, chưa tới nửa năm, khối tài sản của tỷ phú số 1 ngành ngân hàng Việt Nam đã bốc hơi 1 tỷ USD. Vị trí của ông Hùng Anh trong danh sách những người giàu nhất thế giới tụt giảm mạnh xuống vị trí số 1.884.

Ông Hồ Hùng Anh (Ảnh: Petrovietnam)

Ông Hồ Hùng Anh (Ảnh: Petrovietnam)

Tại Việt Nam, tính theo giá trị số cổ phiếu các doanh nhân đang nắm giữ, ông Hồ Hùng Anh đứng ở vị trí thứ 3, xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (khoảng 4,5 tỷ USD) và ông Đỗ Tuấn Anh, một gương mặt mới - chủ tịch Sunshine Homes kiêm phó Tổng giám đốc KienLongBank. Ông Tuấn Anh đang nắm giữ cổ phiếu nhiều doanh nghiệp như KLB, KSF, SCG, SSH trị giá khoảng 30 nghìn tỷ đồng.

Nhiều tỷ phú ghi nhận tài sản sụt giảm, như ông Phạm Nhật Vượng bốc hơi hơn 2 tỷ USD, ông Trần Đình Long (chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) mất hơn 1,6 tỷ USD so với đầu năm do ngành bất động sản và thép “thê thảm” sau khi lên đỉnh trong năm 2021.

CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Đăng Quang (Masan)… đều ghi nhận tài sản giảm khá mạnh.

Cổ phiếu ngân hàng Techcombank của ông Hồ Hùng Anh được kỳ vọng rất lớn sau nhiều năm tăng trưởng bứt phá và vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng gần đây chịu áp lực bán ra rất mạnh.

Trên thực tế, ngành ngân hàng vẫn được nhiều công ty chứng khoán đánh giá có triển vọng kết quả kinh doanh tốt trong năm 2022 với lợi nhuận tiếp tục tăng. Tuy nhiên, áp lực bán ra gần đây được cho là do ảnh hưởng từ những tin đồn liên quan tới một số doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp có phát hành trái phiếu, qua đó liên quan tới nhiều ngân hàng.

Tài sản ông Hồ Hùng Anh giảm 1 tỷ USD xuống còn 1,4 tỷ USD tính tới 10/10/2022. (Nguồn: Forbes)

Tài sản ông Hồ Hùng Anh giảm 1 tỷ USD xuống còn 1,4 tỷ USD tính tới 10/10/2022. (Nguồn: Forbes)

Tính tới cuối 2021, tổng lợi nhuận tích lũy có thể phân phối của Techcombank lên tới hơn 40,1 nghìn tỷ đồng do không chia cổ tức bằng tiền trong 11 năm liên tiếp. TCB của tỷ phú Hồ Hùng Anh dồn lực bứt phá trong thập kỷ quan trọng.

Nhìn chung, trong kế hoạch cho năm mới, hầu hết ngân hàng đều đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 tăng, vốn tăng theo tỷ lệ phát hành thêm cổ phiếu chi trả cổ tức, trong khi tiền mặt được giữ lại để đảm bảo sự an toàn về lâu dài và là nguồn lực để ngân hàng mở rộng đầu tư, tăng tín dụng.

Cổ phiếu SHB của đại gia Đỗ Quang Hiển gần đây cũng chịu áp lực giảm cho dù ngân hàng này trong nửa đầu năm 2022 ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên gần 4.700 tỷ đồng, so với mức gần 3.200 tỷ đồng trong nửa đầu 2021.

Cổ phiếu SHB giảm khoảng 50%, từ mức 20.000 đồng/cp cách đây 6 tháng xuống còn 10.100 đồng/cp hôm 10/10. Việc cổ phiếu SHB giảm giá khiến ông Hiển xuống vị trí 128 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ đồng.

Trong top 20 người giàu nhất trên sàn chứng khoán vẫn còn nhiều ông chủ ngân hàng, như ông Đỗ Anh Tuấn (KLB), ông Hồ Hùng Anh (TCB), ông Nguyễn Đăng Quang (TCB), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (HDB), ông Ngô Chí Dũng (VPB).