Xã tháo cống, cá chết khô
Theo ghi nhận của PV, trưa ngày 27/5, cống xả Hồ Phai ngoài Đồng Hạ, xã Quang Húc, huyện Tam Nông được mở hết cỡ (thả cửa), nước và cá trong hồ chảy tự nhiên ra phía sông. Việc mở cống do lãnh đạo UBND xã Quang Húc tổ chức thực hiện.
Trao đổi với PV, ông Vũ Xuân Tám – Chủ tịch UBND xã Quang Húc, tháo cống là hoạt động quản lý thủy lợi thông thường, hàng năm của UBND xã. Vị chủ tịch xã cho rằng, việc tháo cống thuộc thẩm quyền và đúng quy trình của UBND xã đối với công trình thủy lợi Hồ Đồng Hạ, nhằm chuẩn bị đón lũ về.
Khi được hỏi về việc tháo cống sẽ làm thất thoát tài sản – cá của bà Đỗ Thị Thu Hiền, ông Tám nhất mực khẳng định, hiện nay ông chỉ quan tâm tới vấn đề thủy lợi – tức vấn đề nước, chứ không quan tâm tới vấn đề tài sản trong nước – tức là cá trong nước (hồ). Bởi lẽ, theo ông Tám, từ ngày 1/7/2020, UBND xã Quang Húc không còn quan hệ pháp lý nào với bà Hiền về việc sử dụng Phai ngoài Hồ Đồng Hạ, do hợp đồng đã hết hiệu lực.
Tuy nhiên, khi được hỏi về thẩm quyền quản lý Hồ Đồng Hạ hiện nay, vị Chủ tịch xã lại cho rằng từ tháng 6/2020, công trình thủy lợi loại vừa như Hồ Đồng Hạ do huyện quản lý, vì đây là công trình loại vừa. Để khẳng định lại về tính chính đáng của việc tháo cống hồ thủy lợi, ông Tám giải thích thêm: hiện nay đang trong giai đoạn thống kê các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, nên xã tạm thời vẫn quản lý Hồ Đồng Hạ.
Chưa biết việc quản lý Hồ Đồng Hạ đã được chuyển đổi ra sao, nhưng tối ngày 27/5, theo ghi nhận, có khoảng 50 người dân tập trung ở bờ Hồ Đồng Hạ cùng các dụng cụ chài, lưới, vợt, kích điện để… hôi cá do bà Đỗ Thị Thu Hiền đang chăn thả. Theo phản ánh của bà Hiền, khi được hỏi vì sao bà con lại định xuống bắt cá, một số người dân cho rằng, Chủ tịch và Bí thư bảo cá bây giờ không của ai (cả).
Lần thứ 2 chứng kiến cảnh bị “cướp”, lực bất tòng tâm, bà Hiền buộc phải gọi điện khẩn cấp cầu cứu Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện Tam Nông. Ngay lập tức, đại diện các đơn vị chức năng của huyện được điều động để ngăn chặn sự việc. Công an được lệnh thông báo lên loa phát thanh khẳng định đây là tài sản của xã quản lý, đề nghị mọi người giải tán, không đánh bắt. Sự việc tạm thời được kiểm soát, không xảy ra xô xát nào đáng kể giữa người dân và người trông cá của bà Hiền.
Sự việc tạm thời được ngăn chặn, đoàn làm việc liên ngành tiến hành họp tại UBND xã Quang Húc. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của ông Vũ Xuân Tám – Chủ tịch UBND xã Quang Húc. Theo ghi nhận, nội dung chính của cuộc họp có nhiều bất thường. Thay vì việc ghi nhận sự việc diễn ra để ghi vào biên bản thì vị Chủ tịch này nhấn mạnh về các quan điểm, nguyên tắc có tính chất giáo huấn. Đặc biệt, ông Tám nhất mực yêu cầu bà Hiền phải xác nhận rằng Hợp đồng thầu khóa cũ đã hết hiệu lực và rút lại toàn bộ đơn, sau đó mới được đề xuất các kiến nghị. Tại cuộc họp, ông Tám cũng khẳng định, việc có đóng cống hay không lại là câu chuyện khác.
Nghĩ mình bị “lừa”, bà Hiền đã không đồng ý rút đơn và đề nghị được giải quyết sự việc theo quy định.
Xã tháo cống, nước và cá chảy tự nhiên ra sông.... Mực nước thấp, đến trưa ngày 30/5, cá dưới Hồ Đồng Hạ nổi hàng loạt. Đến 1/6, cá tiếp tục chết, không có chiều hướng giảm. Thiệt hại đã được ghi nhận.
Chưa biết UBND xã Quang Húc sẽ giải trình với UBND huyện Tam Nông, UBND tỉnh Phú Thọ như thế nào về buổi họp tối muộn ngày 27/5. Nhưng rõ ràng, có nhiều nội dung không khách quan, có tính chất ép buộc, đi ngược lại ý nghĩa tuyên truyền mà cấp trên giao phó cho đoàn công tác.
Vấn đề đặt ra là, trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền xác định rõ phương thức và lộ trình giải quyết các đề nghị của bà Hiền về việc sử dụng Hồ Đồng Hạ (liên quan đến pháp luật về đất đai, thủy lợi), UBND xã Quang Húc có nhất thiết phải hành xử như vậy? Giữa bối cảnh dịch covid – 19 hoành hành, đời sống nhân dân khốn khổ, nuôi được cá sống (mà chưa biết ngày nào bán được) đã là khó, cách hành xử “sốt sắng” như vậy của UBND xã Quang Húc có phải muốn ép dân, “dìm dân” xuống đáy của sự cùng cực? Ở đây chắc hẳn sẽ đặt ra vấn đề về sự nhân văn trong công tác quản lý.
Nói về sự sốt sắng trong quản lý hồ thủy lợi, có lẽ UBND xã Quang Húc, UBND huyện Tam Nông và cả UBND tỉnh Phú Thọ cần kiểm tra khẩn trương việc xả thải của của trại lợn của Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO ra khu vực Hồ Đồng Hạ (Phai trong). Khu vực này hiện cá đang chết hàng loạt, ô nhiễm môi trường nước trầm trọng.
Cần UBND tỉnh giải quyết kịp thời, thấu đáo
Theo giới luật gia, về tổng thể, vụ việc cho thấy có sự khiếm khuyết nhất định trong hệ thống quy định về quản lý, sử dụng đất công ích, đất – hồ thủy lợi, dẫn tới những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đối với những tình huống phát sinh.
Một số luật sư cho rằng, cần phải minh định lại tính chất pháp lý của Hồ Đồng Hạ theo quy định pháp luật về đất đai và luật thủy lợi, từ đó có mô thức, phương thức quản lý phù hợp, từ đó giải quyết sự việc phù hợp theo quy định.
Hồ sơ giải quyết vụ việc cũng cho thấy, quá trình giải quyết đơn có sự “bẻ lái” của chính quyền, cũng như không phát huy được đối thoại giữa các bên. Cụ thể, sau khi UBND huyện Tam Nông ban hành thông báo thụ lý khiếu nại (lần 2) đối với đơn của người sử dụng đất Đỗ Thị Thu Hiền (Thông báo số 96/TB-UBND ngày 26/8/2020), thì UBND xã Quang Húc lại ban ban hành văn bản hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 5/11/2020 bãi bỏ Quyết định số 99/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Đỗ Thị Thu Hiền). Từ đó, các cấp liên tiếp chuyển tiếp văn bản cho cấp huyện, cấp xã, mà không có buổi đối thoại nào đúng nghĩa được tổ chức, khiến cho những vấn đề pháp lý không những không được hóa giải, mà còn gia tăng các xung đột, kể cả những hiểu lầm. Ban Tiếp công dân tỉnh Phú Thọ thì cho rằng, các bên tự thỏa thuận, thương lượng, nếu không thống nhất được thì khởi kiện tại tòa án.
Trao đổi với PV, bà Hiền cho rằng, trước năm 2017, Hồ Phai Ngoài Đồng Hạ gần như không sử dụng vào mục đích nuôi thủy sản, nếu có thì ít hiệu quả, nên bà đã mua thầu lại với giá cao gấp 3 lần, để đầu tư nuôi trồng thủy sản là cá, tôm, và đã đem lại hiệu quả kinh tế. Với mức sản lượng 12 tấn cá/năm phải nộp cho xã, tương đương khoảng 240 triệu, bà tôn trọng mức sản này và luôn phấn đấu sản xuất hiệu quả đề hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tạo thêm việc làm cho lao động, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, vài năm lại đây, khí hậu biến đổi bất thường, kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng, phải điều chỉnh, nên mong muốn, đề nghị UBND xã (và cơ quan có thẩm quyền) gia hạn thời gian sử dụng theo quy định pháp luật, để người sử dụng yên tâm đầu tư, có thể nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bà Hiền cũng khẳng định, đã và sẽ luôn chấp hành quy định của cơ quan quản lý về vấn đề thủy lợi, để đảm bảo sự hài hòa, ưu tiên mục tiêu thủy lợi.
Ngày 02/4/2021, UBND huyện Tam Nông ban hành văn vản số 633/UBND-TTr V/v phúc đáp văn bản số 30/ĐĐBQH-CĐ ngày15/3/2021 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Bằng văn bản này, UBND huyện Tam Nông còn báo cáo nội dung tới các cơ quan của tỉnh được biết và chỉ đạo.
Trên bình diện chung, nhận thấy sự việc cần được UBND tỉnh Phú Thọ quan tâm giải quyết, đảm bảo thấu tình, đạt lý, vừa hóa giải được những hiểu lầm không đáng có giữa người dân với cán bộ, công chức nhà nước (nếu có), vừa đảm bảo sự nhân văn trong quản lý hành chính nhà nước.
Hiện chúng tôi đã liên hệ với UBND tỉnh Phú Thọ để tiếp tục tìm hiểu sự việc.