Theo tìm hiểu của PV, dự án nhà ở kinh doanh tại khu đất ký hiệu C11/ODK6 thuộc khu Đầm Liễng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có diện tích 12.283m2, nằm giáp đường vành đai 3.
Ngày 14/6/2011, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định số 2684/QD-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất xây dựng công trình tại khu vực ao Đầm Liễng. Đến ngày 21/9/2011, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 8057/UBND-KH&ĐT chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Á Đại Thành làm chủ đầu tư dự án. Tiến độ thực hiện dự án là vào quý III/2011 đến quý II/2014.
Ngày 9/9/2020, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 7721/VP-ĐT về việc quản lý, sử dụng đất tại ô đất trên, đồng thời thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố thống nhất ranh giới để nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục thoả thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Sau hơn 10 năm kể từ khi được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận làm chủ đầu tư dự án tại khu đất Đầm Liễng, theo phản ánh của nhiều người dân, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Á Đại Thành không có động thái triển khai thực hiện, khiến dự án bị chậm tiến độ trong nhiều năm.
Theo ghi nhận thực tế của PV vào ngày 23/6, hiện khu đất dự án Đầm Liễng được quây tôn tạm bợ, xung quanh cỏ mọc um tùm. Đặc biệt, bên trong khu đất dự án trở thành nơi đỗ xe ô tô, xe tải, có dấu hiệu “biến tướng”, sử dụng sai mục đích.
Vừa qua, trả lời báo chí về tình trạng chậm tiến độ của dự án khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng, đại diện Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Yên Sở xác nhận thông tin, dự án này đã được giải phóng mặt bằng xong và bàn giao từ năm 2014. Kể từ đó cho đến nay, chính quyền địa phương hoàn toàn chưa nhận được văn bản nào của Thành phố cũng như của chủ đầu tư đến liên hệ với để làm việc.
Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 160 đề ra lộ trình xử lý nghiêm các dự án chây ì, tiếp tục vi phạm. Đây được xem là hành động quyết liệt tiếp theo, nhằm xóa bỏ dứt điểm những “điểm đen” trong quản lý đất đai của chính quyền Thành phố.
Theo cơ quan quản lý, các dự án “treo” là các dự án đã hết 24 tháng mà không triển khai đúng tiến độ thì được phép gia hạn 24 tháng nữa, hết 24 tháng nữa mà vẫn bị treo thì Nhà nước thu hồi cả đất lẫn tài sản đã đầu tư trên đất. Quy định đã rất rõ ràng nhưng thực tế xử lý các dự án “treo” không chỉ ở Thành phố Hà Nội mà trên cả nước còn chưa dứt điểm.
Hiện có Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay mới thu hồi 10 dự án. Kế hoạch 160 của Hà Nội là hành động quyết liệt của chính quyền TP Thành phố nhằm xóa sổ những dự án “quây tôn, trùm mền” hàng chục năm, thể hiện quyết tâm giữ gìn kỷ cương phép nước. Bởi lẽ, khi dự án “treo” sẽ kéo theo hàng loạt những ảnh hưởng khác liên quan đến đời sống phát triển chung của TP, đất nước như vấn đề về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…
Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng đề cập tới tình trạng một số chủ đầu tư có biểu hiện giữ đất, không thực hiện các thủ tục để triển khai. Theo các chuyên gia, nhiều chủ đầu tư cố tình chây ì, có mục tiêu làm thủ tục dự án càng chậm càng tốt để đợi giá đất lên rồi bán sản phẩm thương mại.