Tập đoàn FLC (FLC) trong ngày 22.8 đã nhận được 8 quyết định của Chi cục Thuế khu vực TP.Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa). Toàn bộ là thông báo về việc cưỡng chế hành chính về thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC tại các Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), TMCP Quốc tế (VIB), TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Nông Nghiệp Việt Nam (Agribank), TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tổng số tiền bị cưỡng chế gần 131 tỉ đồng. Lý do cưỡng chế là Tập đoàn FLC nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày so với quy định.
Trước đó vào ngày 5.8, Tập đoàn FLC cũng nhận được 9 quyết định do Cục thuế Hà Nội ban hành do công ty bị phạt 11,5 triệu đồng vì chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân; đồng thời bị cưỡng chế thuế gần 72 tỉ đồng. Hay vào đầu tháng 8, Tập đoàn FLC cũng đã nhận ba quyết định cưỡng chế của Cục thuế Quảng Bình với tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 224 tỉ đồng.
Mới nhất, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có thông báo về khả năng đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu FLC, ra công vân yêu cầu tập đoàn này có văn bản giải trình về lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông cũng như việc lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022. Phúc đáp việc này, FLC cho biết đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt để kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 và doanh nghiệp có thể phát hành, công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 dự kiến trong tháng 9 năm nay.
Ngay sau khi báo cáo được phát hành, Hội đồng quản trị FLC sẽ triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, theo đúng các trình tự được quy định hiện hành. Như vậy, theo dự kiến, Đại hội sẽ được tổ chức vào tháng 11.2022.
Kết thúc quý 2/2022, FLC tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 640 tỉ đồng và lỗ lũy kế đến 30.6 là 1.105 tỉ đồng. Cổ phiếu FLC hiện giao dịch xoay quanh giá 4.840 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 80% so với đỉnh cao vào đầu năm.