Taseco Airs bị HOSE cảnh báo về khả năng hủy niêm yết
Dù mảng bất động sản có lãi lớn, nhưng mảng dịch vụ hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến Taseco Group phải gánh lỗ sau thuế lần lượt 100 tỷ đồng và 77 tỷ đồng trong 2 năm qua.
Mới đây, cổ phiếu AST của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) bị HOSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế âm.
Trước đó, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong năm 2020 và 2021 công ty đã lỗ 118 tỷ đồng và 49 tỷ đồng và nửa đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tiếp tục âm 7,5 tỷ đồng.
Công ty Taseco Airs là một thành viên của Taseco Group, hoạt động chính là bán lẻ tại sân bay với các cửa hàng lưu niệm, nhà hàng, quán ăn nhanh và café dưới thương hiệu “Lucky” tại nhiều sân bay đông nhất tại Việt Nam.
Khi mảng dịch vụ hàng không gặp khó khăn, kết quả kinh doanh của Taseco Group bị ảnh hưởng đáng kể. Báo cáo hợp nhất của tập đoàn này cho thấy năm 2019, khi Taseco Airs chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Taseco Group ghi nhận kết quả kinh doanh tốt với lãi sau thuế hợp nhất đạt hơn 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 2 năm sau đó, kết quả kinh doanh đã đi xuống trầm trọng. Trong khi báo cáo công ty mẹ của Taseco Group ghi lãi vài tỷ đồng, báo cáo hợp nhất ghi nhận lỗ sau thuế 100 tỷ đồng năm 2020 và 77 tỷ đồng vào năm 2021.
Mới đây nhất, Taseco Airs đã công bố báo cáo tài chính bán niên sau xét soát. Theo đó, Taseco Airs ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới hơn 7 tỷ đồng, khoản lỗ này đã được rút ngắn rất nhiều so với cùng kỳ (ghi nhận lỗ gần 67 tỷ đồng).
Hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid 19, lưu chuyển tiền tệ của Taseco Airs âm nặng. Cụ thể, khoản hàng tồn kho âm 2.4 tỷ đồng, chi phí trả trước âm 1.2 tỷ đồng, tiền lãi vay âm 1.6 tỷ đồng; bên cạnh đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng liên tục âm như: dòng tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ âm 8.9 tỷ đồng, tiền chi vay mua các công cụ nợ của đơn vị khác âm hơn 54 tỷ đồng, tiền chi góp vốn vào đơn vị khác cũng ghi nhận âm 8 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản tiền trả nợ vay tài chính cũng ghi nhận âm gần 55 tỷ đồng.
Taseco Land kinh doanh khởi sắc, liên tục mở rộng quỹ đất
Ngược với Taseco Airs đang thua lỗ, mảng kinh doanh bất động sản của tập đoàn thông qua Taseco Land đạt lợi nhuận tốt trong 3 năm qua.
Cụ thể, trong giai đoạn 2019 – 2021, Taseco Land ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.759,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 364,9 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi ròng lên tới 20,7%. Riêng năm 2021, Taseco Land ghi nhận doanh thu thuần đạt 750 tỷ đồng (tăng 73,1% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng (tăng 38,6% so với cùng kỳ), tương ứng với tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 17,6%.
Lợi nhuận của mảng bất động sản góp phần giúp vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 của tập đoàn đạt 2.532 tỷ đồng, tăng mạnh gần 400 tỷ đồng so với mức 2.147 tỷ đồng của năm 2020.
Bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, tập đoàn cũng tiến hành nhiều đợt huy đống vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm qua. Hồi tháng 5/2021, Taseco Group đã dùng 5 triệu cổ phiếu AST của Taseco Airs làm tài sản đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu trị giá 130 tỷ đồng. Số tiền được dùng bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh đầu tư của các công ty con thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp bởi Taseco Group.
Kể từ khi tái cấu trúc vào năm 2017, Taseco Group dồn lực phát triển mảng bất động sản với việc tham gia phát triển nhiều dự án căn hộ. Khi đó, Taseco Land đã âm thầm mua lại một số khu đất ở khu đô thị Đoàn Ngoại Giao (Hà Nội) để phát triển các dự án BĐS nhà ở. Taseco Land là đơn vị thành viên tập đoàn này, đã và đang âm thầm sở hữu và đang nghiên cứu trên 40 dự án với quỹ đất tổng cộng trên 2.000 ha tại các tỉnh thành.
Năm 2020, một pháp nhân thuộc Taseco Group là Taseco Invest đã nhận chuyển nhượng dự án Tổ hợp Landmark 55 từ chủ đầu tư Hàn Quốc. Dự án nằm ngay đối diện với Khu đô thị Đoàn Ngoại Giao, toạ lạc tại lô đất ký hiệu B3CC2 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây (tên thương mại Starlake), có tổng diện tích 23.600 m2.
Gần đây, Taseco Land cho thấy đã mở rộng thêm quỹ đất tại dự án Tây Hồ Tây tại lô đất ký hiệu B2CC4, lô đất nằm ngay bên cạnh lô đất B3CC2 mà Taseco Invest đã thâu tóm trước đó. Đây là lô đất thương mại có diện tích 11.300 m2, quy hoạch tối đa 23 tầng. Năm ngoái, Taseco Land cũng mua lại 280 căn hộ tại dự án Han Jardin cao 45 tầng tại Khu ngoại giao đoàn để hoàn thiện và bán ra thị trường trong phân khúc căn hộ cao cấp.
Tại ĐHCĐ năm 2022 vừa diễn ra hồi tháng 6, ban lãnh đạo Taseco Land cho biết công ty đang ưu tiên tập trung nghiên cứu các dự án mới, đưa tổng số dự án lên hơn 40 dự án tại trên 10 tỉnh thành với tổng quỹ đất nghiên cứu hơn 2.000 ha nhằm tạo quỹ đất phát triển cho các năm tiếp theo.
Để đảm bảo nguồn vốn triển khai các dự án theo kế hoạch, Taseco Land dự kiến tăng vốn điều lệ lên 2.700 tỷ đồng trong quý III năm 2022 theo hình thức phát hành cổ phần để chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu và chào bán cho các cổ đông hiện hữu.
Dự kiến trong các năm tới, Taseco Land sẽ tham gia đấu thầu, đấu giá nhiều dự án với quỹ đất lớn tại nhiều địa phương. Để chuẩn bị cho hoạt động đầu tư lớn này, Taseco Land đã lên kế hoạch thu hồi vốn tại các dự án đã và đang đầu tư từ các năm trước cũng như định hướng sẽ niêm yết cổ phiếu Taseco Land lên sàn chứng khoán.