Nhiều ngày trước, người dân địa phương và một số cơ quan báo chí, trong đó có Báo Thái Nguyên đã phản ánh các nội dung liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản, ô nhiễm môi trường, sạt lở ở khu vực này và kết quả là cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc...
Đất bùn từ bãi thải của Công ty CP Yên Phước chảy xuống vùi lấp rộng của người dân.
Từ năm 2018, khi Mỏ than Minh Tiến thuộc Công ty CP Yên Phước bắt đầu đi vào hoạt động đã có những “lùm xùm” về việc nổ mìn, đổ thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Những vấn đề này đã được Báo Thái Nguyên chỉ ra qua nhiều bài viết mà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thì đến nay lại thêm những “góc khuất” mới lộ diện.
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Nếu xem xét suốt quá trình hoạt động của Mỏ than Minh Tiến có thể thấy rất nhiều sai phạm diễn ra liên tiếp trong hơn 3 năm đơn vị này chính thức đi vào khai thác.
Ngay năm đầu tiên hoạt động, ở đây đã xảy ra sự cố môi trường. Cụ thể là bùn thải ở khu vực bãi thải của Công ty tràn vào ruộng của người dân, ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân ở đây.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường của Mỏ, phát hiện 3 lỗi vi phạm là: Không kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi phát hiện sự cố môi trường, không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định, khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên mà không có giám đốc điều hành mỏ… UBND tỉnh đã xử phạt hành chính vì các lỗi trên.
Sau sự việc này, Công ty không những không chấn chỉnh lại hoạt động mà còn tiếp tục gây ra nhiều sự cố khác. Điển hình là tình trạng nứt đất và sụt lún ở khu vực núi Hồng.
Người dân ở đây phát hiện rất nhiều khe nứt dài hàng chục mét và ngày càng xé rộng, ăn sâu vào lòng núi. Trên địa bàn xã Na Mao có 80 hộ dân bị nứt tường nhà và các công trình xây dựng.
Không chỉ bị nứt nhà, sau mỗi đợt mưa lớn, đất và bùn thải từ khai trường tràn xuống vùi lấp ruộng của nhiều hộ dân và kênh mương. Thêm vào đó, bụi cũng làm cho nhà cửa, cây cối, hoa mầu của một số hộ dân thuộc hai xã trên phủ một màu đen đặc trưng của than.
Nhiều đoạn đường bị hư hỏng do phải “cõng” những chiếc xe chở đầy than qua lại hằng ngày… Không chỉ gây bụi bẩn, nứt nhà, nguồn nước bị ô nhiễm khiến nhiều hộ dân phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo âu về nguy cơ vỡ moong, đe dọa tài sản và tính mạng, mà Công ty còn ngang nhiên sử dụng đất vượt chỉ giới được Nhà nước cho thuê hơn 87.000m2, trong đó có hơn 6.000m2 đất công của xã Phú Cường; hơn 17.000m2 đất rừng sản xuất và trên 14.000m2 đất chưa sử dụng của xã Na Mao; gần 50.000m2 đất rừng sản xuất của người dân xã Na Mao. Trụ sở Văn phòng Công ty cũng được xây dựng trên diện tích nằm ngoài chỉ giới cho phép.
Trước những vi phạm của Công ty CP Yên Phước, UBND tỉnh đã nhiều lần ra quyết định xử phạt sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trong vòng hơn 3 năm, UBND tỉnh đã 5 lần kiểm tra và ra nhiều quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt gần 600 triệu đồng.
Lộ thêm “góc khuất”
Những tưởng, sai phạm của Công ty CP Yên Phước đã được chỉ ra hết, tuy nhiên, ít ai ngờ, sau khi Bộ Công an vào cuộc điều tra đã làm rõ thêm những “góc khuất” trong hoạt động khai thác, kinh doanh của doanh nghiệp này.
Lực lượng công an canh gác Mỏ than Minh Tiến, giữ nguyên hiện trường để cơ quan chức năng điều tra.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp năm 2014, thì Công ty được khai thác với trữ lượng 8.500 tấn/năm, thời hạn khai thác đến năm 2031, tổng trữ lượng được phép khai thác là 136.000 tấn. Tuy nhiên, năm 2019, Công ty ký kết hợp đồng với đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương, cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác, chế biến tại Mỏ than Minh Tiến, với khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, giá thành khai thác 1 tấn than thành phẩm là 450.000 đồng, thời gian khai thác trong 5 năm kể từ ngày ký.
Như vậy, ngay từ khi ký hợp đồng, bị can Châu Thị Mỹ Linh (Tổng Giám đốc Công ty CP Yên Phước) đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác gấp 47 lần công suất cho phép. Theo đó, từ tháng 3-2019 đến tháng 8-2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác sản lượng khoảng 2 triệu tấn than nguyên khai. Bình quân hằng năm, lượng than Công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.
Để qua mắt cơ quan chức năng, các bị can trong đường dây này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó có lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường với sản lượng hằng năm đúng bằng với số lượng được cấp phép khai thác.
Phần còn lại, hàng triệu tấn than khai thác lậu được các đối tượng tổ chức tiêu thụ trái phép nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường. Theo số liệu điều tra ban đầu, số than khai thác lậu mà Công ty CP Yên Phước bán cho Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 1 triệu tấn, thu về số tiền trên 121 tỷ đồng.
Từ kết quả điều tra này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan đến đường dây khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến; đồng thời khởi tố và bắt tạm giam 12 bị can liên quan để điều tra, làm rõ những vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.