Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 182.263 tỷ, chiếm tỷ lệ 23,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 46.667 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,95%; Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 36.343 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,6%; Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 34.618 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,4%.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 56.864 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,25%; Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 141.308 tỷ đồng, chiếm 18%; Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 78.861 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,1%; Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 207.651 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,5%;…
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tính đến 20/06/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành và lĩnh vực bất động sản nói riêng sẽ tiếp tục được cải thiện khi Việt Nam cũng như các nước trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch.
Liên quan đến tình hình cấp tín dụng, Bộ Xây dựng dẫn số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, tính đến 30/6 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 784.575 tỷ.
Thông tin về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản Quý II/2022, Bộ Xây dựng cho biết, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong Quý này tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong Quý I, tương ứng với giá trị gần 8,6 nghìn tỷ, giảm sâu tới 79% so với quý trước.
Theo báo cáo, trong tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu, trong tháng 5 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 7 nghìn tỷ.
Trong tháng 6, Vingroup dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với 100 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 2,3 nghìn tỷ); về trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, Novaland đứng đầu về giá trị phát hành trong tháng 6 với tổng giá trị phát hành gần 2,3 nghìn tỷ, Tập đoàn Nam Long với 5 trăm tỷ… nếu như trong tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu, thì trong tháng 6 nhiều “ông lớn” đã phát hành khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.