Tháng tồi tệ của thị trường chứng khoán đã qua đi nhưng sóng gió chưa hề biến mất

Cuối tháng 9, thị trường chứng khoán Mỹ gánh chịu nhiều biến động. Tuy nhiên, người ta chưa nhìn thấy dấu hiệu của đáy.

Tháng tồi tệ của thị trường chứng khoán đã qua đi nhưng sóng gió chưa hề biến mất

 

Theo một thống kê, tháng 9 vừa qua là tháng tồi tệ nhất của S&P 500 kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và reo rắc nỗi kinh hoàng cho cả thế giới. Trong những ngày cuối cùng của tháng 9, chứng khoán Mỹ liên tiếp chìm trong sắc đỏ. Kết thúc tháng 9, S&P 500 giảm 4,8% giá trị. Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn là người ta chưa nhìn thấy chỉ báo báo hiệu "đáy".

John Kolovos, chiến lược gia trưởng tại Macro Risk Advisors, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy sự mua bán bốc đồng hoặc hấp tấp. Điều đó có thể khiến S&P 500 giảm xuống dưới đường trung bình động 200 ngày". Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được xem là lực lượng bán chính trong các cú sập gần đây.

Thị trường chìm trong sắc đỏ khi lợi suất trái phiếu tăng cao khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ, vốn đã được định giá cao. Thêm vào danh sách đó là những mối lo ngại về mức trần nợ của Chính phủ Mỹ, bất ổn chính trị gia tăng xung quanh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng khan hiếm khí đốt dẫn tới thiếu điện trên quy mô toàn cầu.

Dù có nhiều cú bán tháo trong tháng 9 nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng sự sợ hãi vẫn chưa đạt tới đỉnh. Trong khi đó, Chỉ số biến động Cboe, hay còn được gọi là VIX – thước đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư, vẫn chỉ ở mức 25,7 trong tháng này. Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, cho rằng các nhà đầu tư chỉ sợ hãi thực sự khi VIX đạt 36 điểm.

"Chúng tôi đang chờ đợi những cột mốc hấp dẫn hơn trước khi bắt đầu chiến thuật lạc quan trở lại. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư dài hạn nên mua cổ phiếu thép trong vài tuần tới", ông Colas nói.

Trong ngắn hạn, không thấy dấu hiệu cho thấy nỗi lo ngại của thị trường sắp biến mất. Đợt bùng phát Covid-19 mới đang bủa vây nước Mỹ. Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đe dọa làm trầm trọng hơn vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu có lẽ sẽ là những vấn đề cần nhiều tháng để giải quyết.

Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Chứng khoán tương lai của Mỹ tiếp tục giảm sau tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Dow Jones Futures giảm 193 điểm trong khi S&P 500 Futures và Nasdaq Futures cũng giảm. Nó báo hiệu phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 có thể không thuận lợi với chứng khoán Mỹ.

Không chỉ riêng S&P 500, tháng 9 cũng là tháng buồn với Dow Jones và Nasdaq.  Hai chỉ số này lần lượt giảm 4,3 và 5,3%, biến đây trở thành một trong những tháng tồi tệ nhất.