Thanh Hóa: Thấy gì phía sau dự án nông nghiệp tỉ đô của Tập đoàn Xuân Thiện?

Với các dự án tỉ đô trải dài khắp đất nước, cùng với đó là khối lượng huy động trái phiếu khổng lồ và mức doanh thu nghìn tỉ nhưng lợi nhuận doanh nghiệp chỉ 'teo tóp' vài trăm triệu mỗi năm, tương đương một… quán café, phở sáng bình dân, không rõ Xuân Thiện sẽ xoay xở ra sao với siêu dự án nông nghiệp tỉ đô của tập đoàn này trên đất Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Tập đoàn Xuân Thiện có trách nhiệm đầu tư các tuyến đường vào dự án

Theo báo cáo của chủ đầu tư, DA khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện 1 có tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng tương đương 1,5 tỷ đô la Mỹ.

Sau khi hoàn thành, hàng năm dự án tạo ra 180 nghìn tấn thực phẩm từ thịt lợn; 50 nghìn tấn thành phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600 nghìn tấn phân vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 67.500 lợn nái và cung cấp 1,5 triệu lợn thịt/năm; tổng doanh thu 38.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ thu mua nông sản của bà con tại địa phương và vùng lân cận để làm nguyên liệu sản xuất nước trái cây và sản xuất thức ăn chăn nuôi; qua đó giúp thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống của bà con nông dân. Đưa huyện Ngọc Lặc thành huyện đi đầu của cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời nâng cao chỉ số thu hút đầu tư của Thanh Hóa.

Chiều ngày 21/12/2020, tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, Tập đoàn Xuân Thiện và UBND huyện Ngọc Lặc đã khởi công Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I được khởi công xây dựng thể hiện quyết tâm cao của Tập đoàn Xuân Thiện trong đầu tư Dự án.

Phối cảnh dự án

Để dự án hoàn thành đi vào sản xuất đảm bảo tiến độ, công suất như mong đợi, đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh và huyện Ngọc Lặc luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị Tập đoàn Xuân Thiện tập trung nguồn lực, tích cực đôn đốc nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình theo kế hoạch; đảm bảo an toàn lao động; phòng, chống cháy nổ, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững

Đối với các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện đã được UBND tinh chấp thuận (Quyết định số 1442 / QĐ- UBND ngày 04/5/2021 Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 04/5/2021; Quyết định số 1444/QĐ-UBND ngày 04/5/2021) tại Khoản 1 Điều 2 về trách nhiệm của nhà đầu tư đều quy định "nhà đầu tư hợp tác với UBND huyện Ngọc Lặc để thỏa thuận đầu tư xây dựng đường vào dự án và các đường dân sinh nằm trong phạm vi thực hiện dự án phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch của địa phương; kinh phí đầu tư xây dựng các đường do nhà đầu tư bảo đảm và không yêu cầu Nhà nước hoàn trả trả trong bất kỳ trường hợp nào”.

Tuy nhiên, không rõ vì sao hạ tuần tháng 8, Hội đồng nhân dân huyện Ngọc Lặc đã quyết nghị đề xuất của UBND huyện chủ trương đầu tư 240 tỉ từ ngân sách nhà nước để làm đường dân sinh kết hợp phục vụ dự án chăn nuôi lợn của tập đoàn Xuân Thiên tại một số xã trên địa bàn.

Vì thế, dư luận rất băn khoăn tại sao Ngọc Lặc lại sốt sắng, bỏ qua quy định của Luật ngân sách nhà nước và Quyết định của chủ tịch UBND tỉnh về trách nhiệm của chủ đầu tư để chi 240 tỉ cho dư án này. Trong khi đó, Ngọc Lặc là một huyện miền núi Thanh Hóa còn khó khăn và rất nhiều khoản cấp bách phục vụ an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng cần chăm lo, đầu tư, xây dựng.

Tập đoàn Xuân Thiện sẽ huy động hàng tỉ đô để đầu tư dự án bằng cách nào?

Trong các quyết định do Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho cụm dự án của Tập đoàn Xuân Thiện trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, đa số vốn tự có của doanh nghiệp chỉ chủ động được 15%, còn lại là nguồn vốn huy động hợp pháp từ các nguồn khác nhau.

Như vậy, để có nguồn lực đầu tư hàng tỉ đô vào siêu dự án này, Tập đoàn Xuân Thiện có thể sẽ phải phát hành trái phiếu và vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Trong đó, Xuân Thiện từng đặc biệt thành công từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khi huy động 13.000 tỉ đồng từ các trái chủ cho các dự án điện tái tạo của mình.

Năm 2020, doanh nghiệp này liên tiếp huy động vốn nhờ phát hành trái phiếu doanh nghiệp với số tiền lên tới hơn 13.000 tỷ đồng, hệ sinh thái Xuân Thiện đang thu hút sự chú ý trên thị trường chứng khoán.

Theo số liệu tại HNX, từ ngày 25/6 - 28/8/2020, nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động tổng cộng gần 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Các doanh nghiệp này gồm Công ty Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đắk Lắk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty TNHH Năng lượng Sơn La. Trong đó, nhóm Ea Súp (được giao đầu tư, vận hành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, Đắk Lắk) huy động được 7.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Xuân Thiện còn thông qua 2 công ty thành viên là Công ty Xuân Thiện Ninh Thuận và Công ty Xuân Thiện Thuận Bắc thực hiện Dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc (giai đoạn 1 và 2) tại xã Bắc Phong, tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích 256,4 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Ngày 28/8/2020, hai công ty này đã phát hành thành công 3.290 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 1 - 10 năm.

Các doanh nghiệp trên đều do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình và ông Nguyễn Văn Thiện góp vốn nắm tỷ lệ chi phối. Trong khi đó, cá nhân ông Thiện sở hữu 70% vốn Xuân Thiện Ninh Bình.

Các công ty này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư điện mặt trời. Trong đó, Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Thuận Bắc triển khai dự án có quy mô 200 MW tại Ninh Thuận, còn nhóm các công ty Ea Súp triển khai dự án tại Đăk Lăk.

Ông Thiện cũng là Chủ tịch của Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam (Xuân Thiện Group), doanh nghiệp chủ đầu tư cụm dự án Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Sau năng lượng, Xuân Thiện tổng lực đầu tư cho nông nghiệp

Một trong những dự án gây chú ý nhất của sinh thái Xuân Thiện là Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ hai thế giới.

Cụ thể, giai đoạn 1 (đến năm 2020), Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình sẽ đầu tư xây dựng cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp gồm 5 nhà máy từ nhà máy số 1 đến nhà máy số 5, quy mô là 875,28 ha, tổng công suất 600 MW/830 MWp, tổng mức đầu tư là 15.400 tỷ đồng. Chủ đầu tư là các công ty cổ phần Ea Súp từ 1-5.

Đáng chú ý, giai đoạn 1 của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Giai đoạn 2 dự án được thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch điện mặt trời đủ 2.000 MW, Công ty sẽ đầu tư xây dựng cụm nhà máy điện mặt trời (10 nhà máy) tổng công suất là 1.400 MW.

Bên cạnh kênh trái phiếu doanh nghiệp, thì tài trợ thương mại từ các nhà băng cũng sẽ là một kênh quan trọng để doanh nghiệp huy động vốn đầu tư cho siêu dự án nông nghiệp trên địa bàn Ngọc Lặc. Tuy nhiêu, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn sẽ tạo nên áp lực tài chính khổng lồ cho doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư của dự án.

Việc thanh toán chi phí lãi vay, thanh toán trái phiếu và lãi suất cho trái chủ, khấu hao đầu tư với số tiền khổng lồ hàng năm sẽ bào mòn lợi nhuận của dự án. Khi đó, nếu dịch bệnh căng thẳng, xuất hiện dịch bệnh trên đàn lợn nay một sự cố môi trường xảy ra sẽ tạo nên áp lực nặng nề lên dòng tiền của chủ đầu tư, có thể khiến dự án trật khỏi đường ray so với những tính toán lạc quan ban đầu.

Tập đoàn Xuân Thiện làm ăn ra sao?

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Thiện (nắm 55% vốn) cùng 6 cá nhân khác có liên quan góp vốn thành lập Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam. Thông qua Xuân Thiện Việt Nam, Xuân Thiện Ninh Bình (hay nói chính xác hơn là doanh nhân Nguyễn Văn Thiện) sở hữu nhiều dự án, cổ phần chi phối tại nhiều công ty thành viên, với lĩnh vực thế mạnh là xây dựng, thủy điện và xi măng.

Cụ thể, Xuân Thiện Việt Nam là chủ đầu tư hơn 20 dự án nhà máy thủy điện trong và ngoài nước tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Yên Bái... Điển hình như: Dự án Suối Sập 1, Háng Đồng A, Háng Đồng A1, tích năng Đông Phù Yên (Sơn La); dự án Thủy điện sông Lô 3, 5,6 (Hà Giang); Khao Mang, Khao Mang Thượng, Thác Cá, Đồng Sung (Yên Bái), thủy điện Yabassy, thủy điện Toumbasala (Cameroon)…

Ở lĩnh vực công nghiệp xi măng, Xuân Thiện Việt Nam cũng quản lý một số nhà máy xi măng tiêu biểu là: Nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam (tổng công suất 6 triệu tấn/năm, địa điểm tại tỉnh Hà Nam, Việt Nam), nhà máy xi măng Xuân Thành Quảng Nam (tổng công suất 1,3 triệu tấn xi măng/năm, địa điểm tại tỉnh Quảng Nam, Việt Nam) và nhà máy xi măng Minh Tâm Bình Phước (2,5 triệu tấn xi măng/năm, địa điểm tại tỉnh Bình Phước, Việt Nam).

Với những dự án nông nghiệp tỉ đô, bài toán tài chính sẽ tạo ra áp lực khổng lồ

Trong năm 2019, doanh thu Xuân Thiện Ninh Bình (công ty mẹ) đạt hơn 958,4 tỷ, giảm gần 36% so với cùng kỳ năm 2018. Trừ đi các chi phí, lãi thuần "tóp" về 214 triệu đồng, tăng nhẹ gần 19%.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Xuân Thiện Ninh Bình tính đến ngày 31/12/2019 đạt 3.794 tỷ đồng, trong đó chiếm chủ yếu là vốn chủ sở hữu 2.229 tỷ (58,8%), phần còn lại 41,2% là nợ phải trả.

Xét trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần công ty tăng trưởng bình quân 22%/năm. Trong khi đó, con số này ở lãi thuần lại là -12,15%/năm.

Ngoài ra, có thể thấy doanh thu, lợi nhuận Xuân Thiện Ninh Bình chưa tương xứng với quy mô tổng tài sản doanh nghiệp khi ROE và ROA năm 2019 chỉ cùng đạt vỏn vẹn 0,01%.

Với các dự án tỉ đô trải dài khắp đất nước, cùng với đó là khối lượng huy động trái phiếu khổng lồ và mức doanh thu nghìn tỉ nhưng lợi nhuận doanh nghiệp chỉ “teo tóp” vài trăm triệu mỗi năm, tương đương một… quán café, phở sáng bình dân, không rõ Xuân Thiện sẽ xoay xở ra sao với siêu dự án nông nghiệp tỉ đô của tập đoàn này trên đất Ngọc Lặc, Thanh Hóa.